Tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng tránh TNGT đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh

LTS: Ngày 4-11-2013, UBND tỉnh đã có văn bản số 5235/UBND-NC về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng tránh TNGT đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn nội dung văn bản này

Thưc hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 3-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa; Công điện số 363/CĐ-UBATGTQG ngày 26-10-2013 của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;

Để thực hiện kịp thời các biện pháp, giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng tránh tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian đến, đặc biệt trong cuối năm 2013 và Tết Dương lịch 2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông...) và Công an các huyện, thành phố có kế hoạch mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, thời gian cao điểm, đảm bảo khép kín địa bàn; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về TTATGT như: Chạy quá tốc độ quy định; đi sai phần đường, làn đường; chở quá trọng tải và số người quy định; dừng đỗ phương tiện không đúng quy định; sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật (cả đường bộ và đường thủy); vi phạm nồng độ cồn; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy... tham gia giao thông; chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu hoặc người điều khiển giao thông; thi công trên đường bộ đang khai thác không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm TTATGT; lấn chiếm vĩa hè, lòng đường, hành lang an toàn đường bộ...

2. Các cơ quan, đơn vị thông tin đại chúng (Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố...) đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT; tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên đưa tin về tình hình TTATGT trên báo, đài; tập trung tuyên truyền theo chuyên đề: không vi phạm tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; phổ biến rộng rãi Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa; cảnh báo nguy cơ TNGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông.

3. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra Giao thông phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT tại bến xe, bến tàu; kiểm tra an toàn trước khi phương tiện xuất bến, bảo đảm các phương tiện đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật mới đươc chở khách. Tăng cường kiểm tra công tác ATGT đường thủy; kiên quyết đình chỉ ngay các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định hoặc người điều khiển phương tiện không đủ tiêu chuẩn theo quy định, thiếu dụng cụ cứu sinh; đề nghị xử lý các bè nổi không có giấy phép đăng ký.

4. Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra các tuyến đường giao thông theo phân cấp, khắc phục kịp thời các hư hỏng, bổ sung, sửa chữa hệ thống biển báo hiệu,… nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thuận lợi; sửa chữa bổ sung kịp thời các chốt đèn tín hiệu điều khiển giao thông bị sự cố hoặc hư hỏng.

UBND các huyện, thành phố (nơi có tuyến đường sắt đi qua) phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, triển khai thực hiên tốt Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25-3-2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

5. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tổ chức kiểm tra, rà soát việc bảo đảm an toàn đối với phương tiện vận tải; thường xuyên giáo dục, đôn đốc, nhắc nhở người điều khiển phương tiện giao thông tuân thủ quy tắc giao thông và kỹ năng điều khiển xe khi qua các đoạn đường đèo, dốc nguy hiểm nhất là lái xe khách đường dài và người điều khiển phương tiện thủy nội địa.

6. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định về TTATGT; không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, giờ nghỉ trưa trong ngày làm việc; đồng thời tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, lực lượng chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT, phòng ngừa TNGT.

7. Thường trực Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn; thực hiện tốt Quy chế báo cáo về tình hình TTATGT; theo dõi, nắm tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm bảo đảm TTATGT, phòng ngừa TNGT và tránh ùn tắt giao thông; tổng hợp báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND cùng cấp theo quy định.