Vùng trồng bắp lai Đồng Mé, xã Mỹ Sơn tập trung chủ yếu tại thôn Phú Thạnh, vốn là vùng đất chủ động nước chuyên trồng bắp địa phương trước kia. Sau khi được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (CTNN) tỉnh hỗ trợ, nông dân của thôn đã tham gia Liên minh sản xuất giống bắp lai Nhahoseed, tuy thời tiết không ủng hộ, nhưng với kết quả ban đầu đạt được qua 3 vụ bắp đã tạo niềm tin về cung cách làm ăn mới.
Công trình điện hoàn thành tạo điều kiện mở rộng diện tích sản xuất tại địa phương.
Liên minh sản xuất giống bắp lai Nhahoseed Đồng Mé thành lập vào đầu năm 2011 trên tinh thần tự nguyện hợp tác giữa Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Tổ hợp tác bắp lai Đồng Mé (với 136 thành viên hộ nông dân). Theo ký kết thỏa thuận, Ban quản lý Dự án CTNN tỉnh hỗ trợ Liên minh sản xuất bắp lai 3 vụ, với tổng diện tích 166,6 ha. Cụ thể bình quân mỗi ha được hỗ trợ trên 11 triệu đồng cho các khâu giống, vật tư nông nghiệp cùng các chi phí khác, tương đương 34,9% so với tổng chi phí đầu tư. Ngoài ra, bà con nông dân còn được tập huấn quy trình canh tác bắp lai giống, qua đó giúp phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận.
Nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, vừa qua Ban quản lý Dự án CTNN tỉnh đã lập gói thầu xây dựng công trình điện dân dụng cấp 4 tại vùng trồng bắp lai Đồng Mé. Đây là công trình đường điện hạ thế phục vụ cho Liên minh sản xuất giống bắp lai Nhahoseed Đồng Mé, có tổng kinh phí dự toán trên 1,13 tỷ đồng. Qui mô công trình gồm xây dựng mới đường dây trung áp, đường dây hạ áp và trạm biến áp 3 pha 320kVA. Đây được coi là sự kiện mang tính đột phá đối với nông dân vùng trồng trồng bắp lai xã Mỹ Sơn. Ông Thới Chưởng, Tổ trưởng Tổ hợp tác bắp lai Đồng Mé cho biết: Tính từ trạm hạ áp, đường điện chỉ được dự án đầu tư dài 500 m để phục vụ cho 200 ha đất nông nghiệp của 110 hộ dân, nhưng bà con đã đóng góp tiền kéo dài thêm 700 m nữa, phục vụ thêm cho khoảng 120 ha diện tích canh tác khác. Đáng chú ý là đường điện do dự án đầu tư có 160 m kéo ngang qua sông đã giúp cho hàng chục hộ trong khu vực bên kia sông hưởng lợi. Nhìn chung công trình điện đã góp phần tăng năng suất bắp lai và các cây trồng khác, giảm tổn thất sau thu hoạch trung bình từ 10% xuống còn 2%.
Theo ông Thới Chưởng, với nguồn điện mới này, người nông dân địa phương có đủ điện để đầu tư hệ thống bơm tưới cho các vùng đất không chủ động nước trước đây, nâng diện tích trồng bắp lai của vụ mới lên đến 500 ha, gấp 5 lần năm ngoái. Như vậy có thể thấy rõ tác động đầu tiên qua liên minh, hợp tác sản xuất ở Mỹ Sơn là đã biến vùng đất cũ thành vùng nguyên liệu bắp lai giống ổn định, chất lượng cao, phát triển bền vững. Mặt khác đã giúp các hộ sản xuất nhỏ nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và tiếp cận các dịch vụ về kỹ thuật và thương mại. Sau gần 2 năm thực hiện, Tổ hợp tác bắp lai Đồng Mé đã tiêu thụ trên 1.120 tấn bắp lai giống, doanh thu toàn bộ đạt 10,158 tỷ đồng, trong đó bán trong Liên minh trên 1.000 tấn, với giá trị 9,7 tỷ đồng. Bình quân mỗi ha làm bắp lai giống, nông dân lãi 23,8 triệu đồng, cao hơn 5 triệu đồng so với ngoài liên minh. Điều thú vị hơn là tác động của Liên minh không chỉ riêng với vùng canh tác của Tổ hợp tác bắp lai Đồng Mé, mà cả với mọi cánh đồng sản xuất của thôn Phú Thạnh.
Hiệu quả từ Liên minh sản xuất giống bắp lai Nhahoseed Đồng Mé đã được khẳng định. Tuy nhiên điểm quan trọng hơn hết là sau khi kết thúc thời gian (2 năm) hỗ trợ của dự án, Liên minh vẫn duy trì hoạt động, có phương án tiếp tục liên kết sản xuất-tiêu thụ bắp lai giống giữa Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Tổ hợp tác bắp lai Đồng Mé. Theo đồng chí Nguyễn Thành Khải, ngoài Liên minh cũ, hiện đã có thêm 2 doanh nghiệp đến liên minh với các nông dân khác để sản xuất-tiêu thụ bắp lai giống. Trong nhiều tác nhân đem tới thành quả trên, có vai trò đóng góp rõ nét của công trình đầu tư đường điện.
Bạch Thương