Cắt bỏ chi tiêu không cần thiết
Bàn về tình hình thực hiện chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2013, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho hay, nền kinh tế nước ta tuy còn rất khó khăn nhưng cũng đã ấm lên, có bước phục hồi, tuy nhiên xã hội tăng tốc phát triển cũng đã dẫn đến hậu quả là khoảng cách giàu nghèo giãn rộng hơn. Do đó, đại biểu đề nghị trong bố trí ngân sách các loại vốn cần ưu tiên cho hộ nghèo, các nơi có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, Chính phủ dành ngân sách nhiều hơn cho chương trình bố trí dân cư tại các vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do theo Quyết định số 193/2006 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đảm bảo bố trí ngân sách thực hiện các chính sách mà Chính phủ đã đề ra.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) bức xúc cho rằng, hụt thu hơn 63.000 tỷ đồng là vấn đề nổi bật của năm tài khóa 2013. Là năm đầu tiên đất nước không hoàn thành dự toán thu ngân sách, hụt thu lớn đã làm đảo lộn dự toán ngân sách buộc Chính phủ phải trình Quốc hội tăng bội chi để bù đắp. Tuy vậy, đại biểu cũng nhất trí với Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách lên 5,3%. Song đại biểu băn khoăn hụt thu theo Chính phủ đều do nguyên nhân khách quan, không thấy tồn tại, yếu kém thuộc về chủ quan. Đại biểu Trần Quang Chiểu đặt vấn đề phải chăng tình trạng chuyển giá, hủy giá diễn ra trầm trọng hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thông qua tạm nhập tái xuất vừa qua, tình trạng nợ đọng, thuế tăng cao đột biến hiện nay theo Chính phủ cũng là nguyên nhân khách quan chăng?
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính với tinh thần và hình thức cầu thị cần thẳng thắn, mạnh dạn nhận trách nhiệm về những yếu kém, tồn tại, về chủ quan của mình trong việc tổ chức điều hành năm 2013 để làm giảm thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó làm bài học trong điều hành 2014 và các năm tiếp theo.
Nhấn mạnh đến vấn đề chi tiêu của Chính phủ, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề nghị cắt bỏ các hạng mục phụ trợ cho công trình không cần thiết và các chi phí khác như đoạn nào chúng ta cũng làm lễ khởi công, thông xe, khánh thành, hợp long v.v... Đại biểu nêu ví dụ như ngành giao thông vận tải đã cắt bớt được vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng chỉ riêng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đoạn Bến Lức - Long Thành.
Chính vì thế, theo đại biểu Lê Văn Học, dự án mở rộng Quốc lộ 1A dùng trái phiếu Chính phủ lần này để mở rộng thì có thể cắt bớt được khoảng 10 đến 15%, tức là cắt bớt được khoảng .6000 tỷ đồng và mức đầu tư cho dự án này khoảng 44.700 tỷ đồng...
Đưa ra giải pháp tăng thu ngân sách, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nhấn mạnh đến vấn đề điều hành ngân sách cần thận trọng, chặt chẽ, chú ý nhiều hơn đến mảng thu nội địa trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngăn chặn hụt thu thì cần kết hợp hài hòa giữa nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu, không chỉ quá nghiêng về chống thất thu, kinh nghiệm cho thấy khi chính sách khó khăn thì nhiệm vụ cơ cấu lại thu, chi ngân sách được đặt lên hàng đầu, đối với chi ngân sách thì hướng chung là sắp xếp lại, bảo đảm chi cho phúc lợi, an sinh xã hội và con người.
Năm 2014 là năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm, vì vậy đại biểu Nguyễn Hữu Đức đề nghị cần tính toán đưa ra những tiêu chí mới điều chỉnh một số hệ số bảo đảm điều hành một cách hợp lý, bố trí tăng tổng vốn đầu tư với khoảng 31% GDP hoặc cao hơn khi điều kiện thuận lợi thì mới có khả năng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và góp phần vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015. Để làm được điều này cùng với việc huy động các nguồn lực giữa các thành phần kinh tế khác cần sáng tạo cơ hội để huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân vì đây là khu vực còn nhiều dư địa. Do đó, đại biểu đề nghị cần tập trung vào giải tỏa những vướng mắc trong phát triển kinh tế tư nhân. Tạo sự đồng thuận và khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế.
Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án bức thiết, dở dang
Về trái phiếu Chính phủ, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đồng tình sự cần thiết phải phát hành 170.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại biểu Danh Út đề nghị Chính phủ cần tập trung bố trí cho các dự án bức thiết, dở dang nằm trong vốn trái phiếu Chính phủ trước đây Chính phủ đã phê duyệt để sớm đưa vào sử dụng, chống lãng phí. Trong phân bổ vốn cần đảm bảo cân đối giữa các địa phương, vùng miền, vùng khó khăn, vùng trọng điểm an ninh lương thực, vùng dân tộc thiểu số. Đại biểu cũng đồng tình với dự án luồng cho tầu có trọng tải lớn vào sông Hậu, dự án Quốc lộ 14, nếu hoàn thành sớm thì đóng góp quan trọng cho phát triển giao thông, vận tải ở đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.
Ngoài ra, đại biểu Danh Út nhất trí bố trí 15.000 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng đề nghị không bố trí dàn trải, chỉ bố trí cho các huyện nghèo ở Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các huyện nghèo theo chương trình 30a và các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ đề ra.
Về dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) tỏ ra thận trọng vì dự kiến lần này bố trí thêm khoảng hơn 6.600 tỷ từ trái phiếu Chính phủ. Đại biểu cho rằng đây là một dự án rất lớn, giai đoạn trước có lẽ vấn đề khảo sát, thiết kế, các tiêu chí kỹ thuật cũng như mục tiêu nêu ra chưa rõ ràng. Chính vì thế sau khi thi công được 4,2 cây số chúng ta dừng lại và theo nghị quyết Quốc hội thì dự án này sẽ được giãn, hoãn. Bây giờ Chính phủ lại đưa ra để đề nghị Quốc hội xem xét, đại biểu Lê Văn Học cho rằng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc dự án này. Bởi vì nếu không rà soát lại từ thiết kế kỹ thuật cho đến các điều kiện khác thì không thể nào biết được tại sao dự án lần này lại có mức tổng kinh phí tăng lên 3 lần so với ban đầu, chứng tỏ việc làm lần trước cũng như tiếp tục làm bây giờ là chưa nghiêm túc. Chính vì thế đại biểu đề nghị cần phải xem xét và Chính phủ báo cáo kỹ thêm việc này./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam