Không nên nôn nóng về mục tiêu tăng trưởng
Mở đầu thảo luận, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá cao sự cố gắng trong công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ. ĐB bày tỏ ghi nhận tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị trong chỉ đạo điều hành của các Bộ. “Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được nhiều văn bản của các bộ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị các ĐBQH, Đoàn ĐBQH tăng cường giám sát, lắng nghe ý kiến của cử tri để góp ý cho các Bộ nhằm tập trung xử lý những vấn đề còn tồn tại hạn chế” – ĐB Bùi Văn Phương phát biểu.
ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2014 - 2015, ĐB cho rằng trong 1 - 2 năm tới động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nước ta chưa rõ bởi lẽ kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng trì trệ, kỳ vọng tăng trưởng do tái cơ cấu kinh tế phải có thời gian. ĐB đồng tình nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3%, phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng chi tiêu công kích thích tăng trưởng kinh tế.
Về mục tiêu tăng trưởng, theo ĐB không nên nôn nóng mà nên giữ ở mức hợp lý trên cơ sở đảm bảo kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô để tiến hành tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Hai mục tiêu trên là gốc, các nội dung khác điều hành xung quanh nền tảng này” – ĐB nói.
Liên quan tới điều hành gói kích thích kinh tế, ĐB đề nghị cân nhắc điều hành liều lượng gói kích thích trên tinh thần theo dõi sát diễn biến của lạm phát và những biến đổi vĩ mô. Cũng theo ĐB không nên chỉ tập trung vào các dự án mà cần quan tâm đến kích thích tiêu dùng. ĐB lý giải “kích thích tiêu dùng không phải để mua ti vi, xe máy, ô tô mà nên có gói kích thích xây dựng nhà ở khu dân cư, từ đó lan tỏa vào các lĩnh vực kinh tế khác”.
Đề cập về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ĐB Phạm Minh Tấn (Đắc Lắc) nêu thực trạng ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn, giá sản xuất đầu vào cao, giá bán nông sản thấp, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai cũng ảnh hưởng lớn sản xuất nông nghiệp.
ĐB đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hợp lý, cụ thể, phù hợp với từng vùng kinh tế. Riêng đối với Tây Nguyên, ĐB đề nghị Chính phủ cần có chính sách tạm trữ, trợ giá để người trồng cà phê được hưởng lợi nhiều nhất; đầu tư nguồn vốn đề sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi để phát triển nông nghiệp. Cuối cùng, ĐB cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp để tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Thu thuế chậm, hoàn thuế nhanh
Một vấn đề khác cũng được các ĐB quan tâm là vấn đề nợ thuế ảnh hưởng đến thu ngân sách.
“Mổ xẻ” việc thất thu ngân sách, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng báo cáo của Chính phủ, ý kiến của nhiều ĐBQH đã phân tích những nguyên nhân rất xác đáng, tuy nhiên ĐB đề nghị cần phân tích thêm nguyên nhân yếu kém trong quản lý và thiếu minh bạch trong việc quản lý thu, chi, đặc biệt là hoàn thuế giá trị gia tăng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo ĐB, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của chính sách và việc quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng đã khai khống để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng của nhà nước. “Đây mới chỉ là phát hiện ban đầu, nếu ngành chức năng phát hiện nhiều hơn thì chắc chắc con số thất thoát sẽ không nhỏ. Đề nghị xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trên” – ĐB phát biểu.
Cũng quan tâm đến vấn đề thu ngân sách, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) nêu con số, trong 3 năm gần 200 nghìn doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động và phá sản đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Đối với số doanh nghiệp còn hoạt động, tính đến tháng 9/2013 chỉ có 21% doanh nghiệp phát sinh nộp thuế. “Điều này thể hiện sức khỏe của nền kinh tế quá yếu.” – ĐB lo ngại.
Để tăng trưởng kinh tế đạt mức độ đã tính toán, ĐB kiến nghị Chính phủ xem xét chỉnh sửa chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp. Về vấn đề hoàn thuế, ĐB đề nghị điều chỉnh không hoàn thuế giá trị gia tăng với xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu.
Còn theo ĐB Đặng Ngọc Huỳnh (Hưng Yên), nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất hiệu quả thấp. ĐB dẫn chứng, tính đến hết tháng 9/2013, có hơn 300 ngàn doanh nghiệp kê khai thuế, thì có hơn 200 ngàn doanh nghiệp nộp, nhiệm vụ thu cân đối ngân sách năm 2013 thấp so với kế hoạch.
Ở một khía cạnh khác, ĐB cho rằng: Chúng ta đã nói nhiều đến nợ xấu ngân hàng nhưng ít nói đến nợ thuế không thu được. 8 tháng đầu năm truy thu được hơn 17 ngàn tỷ đồng, chiếm 36% tổng số thuế nợ đọng tính đến hết năm 2012, chưa tính đến nợ thuế của năm 2013. Tuy nhiên, tính đến 14/10/2013 hoàn thuế đã đạt 70 ngàn tỷ đồng. Từ con số trên, ĐB cho thấy vấn đề đặt ra là “thu thuế chậm, hoàn thuế nhanh”. Cũng chính vì vây, ĐB nêu quan điểm “đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc hơn về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước”.
ĐB đề nghị kiên quyết truy thu nợ thuế để tăng thu ngân sách nhà nước. Qua việc truy thu thuế sẽ quy hoạch được những lỗ hổng, bất cập trong thu thuế, đồng thời thấy được tình trạng chiếm dụng thuế của nhà nước. Từ đó có điều chỉnh về chính sách thuế, có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. ĐB cho rằng cần phải phân loại thuế để có biện pháp xử lý ở mức độ và hình thức khác nhau cho phù hợp như miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế, truy thu thuế, và cần thiết phải truy tố vì trốn thuế, nợ thuế.
Trong phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải trình thêm về những vấn đề được các ĐBQH thảo luận.
Phát biểu kết thúc 1,5 ngày thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 64/83 ĐB đăng ký phát biểu tại Hội trường. Không khí thảo luận diễn ra sôi nổi thẳng thắn, trách nhiệm, nội dung phong phú, sâu sắc, đa dạng toàn diện trên các lĩnh vực. Các ĐBQH bày tỏ tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với những đánh giá, nhận định về tình hình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm 2011- 2013. Đánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai Nghị quyết của Quốc hội một cách nghiêm túc, chỉ đạo điều hành quyết liệt trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước nhưng nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu chủ yếu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đã phân tích đánh giá, bổ sung trên nhiều khía cạnh khác nhau về những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đồng thời các ĐBQH đã đề xuất nhiều giải pháp về chính sách, quản lý điều hành trong thời gian tới./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam