Ông Nguyễn Văn Thường, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước cho biết: “Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT, huyện đã tổ chức các đợt khảo sát thực tế tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện mở các lớp học đào tạo ngành nghề phù hợp với từng địa phương và nhu cầu của người học”.
Nông dân xã An Hải áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng
Qua gần 3 năm triển khai đề án, số lượng người tham gia đăng ký đào tạo nghề nông thôn ở Ninh Phước ngày càng đông, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức được 64 lớp dạy nghề cho gần 2.000 học viên. Các lớp dạy nghề tập trung ở 2 lĩnh vực chính: nông nghiệp và phi nông nghiệp như kỹ thuật trồng táo, trồng rau an toàn, trồng nấm; kỹ thuật nuôi dê cừu, bò vỗ béo, chăn nuôi heo; Tin học văn phòng, Nghề sản xuất gốm, dệt thổ cẩm, may công nghiệp và may dân dụng... Thông qua các lớp đào tạo, học viên được nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn ở xã An Hải đã triển khai thành công kỹ thuật trồng rau theo hướng VietGAP, mô hình tưới nước tiết kiệm…, qua đó giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng như giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 17% - 40%, nâng cao lợi nhuận từ 1,5 - 3 triệu đồng/ha. Không những ngày càng được mở rộng, mô hình còn giúp người dân từ chỗ chưa biết tuân thủ về quy trình sản xuất, trồng phân tán, nhỏ lẻ đến nay đã tổ chức sản xuất tập trung với nhiều chủng loại rau đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện xã An Hải đã thành lập được 2 tổ sản xuất rau an toàn với 225 hộ ở thôn Tuấn Tú và Nam Cương, 4 vụ/năm với tổng diện tích gần 238 ha.
Bên cạnh đào tạo nghề, huyện Ninh Phước còn chú trọng đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo. Nhằm hỗ trợ các học viên có vốn để sản xuất, huyện tạo điều kiện giúp hơn 1.000 lao động tiếp cận vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, học viên đầu tư trang thiết bị, máy móc, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt... Ngoài ra, đối với các học viên học nhóm nghề phi nông nghiệp, huyện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm, tiếp nhận các học viên sau khi đào tạo vào làm việc. Nhờ vậy, từ năm 2010 đến nay, đã có 1.084 lao động tìm được việc làm ổn định sau đào tạo, đạt gần 68% kế hoạch đề ra. Với sự nỗ lực của địa phương, qua gần 3 năm thực hiện đề án đã có 76 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo bền vững, 28 hộ vươn lên khá giả.
Nhằm nâng cao hiệu quả đề án đào tạo nghề LĐNT, huyện xây dựng quy chế phối hợp thực hiện với các tổ chức chính trị, đoàn thể; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, phấn đấu trong năm 2013 mở thêm 20 lớp với khoảng 600 học viên theo học ở các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký danh mục nghề đào tạo LĐNT gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tạo điều kiện giúp học viên hình thành các tổ Hợp tác sản xuất. Việc đẩy mạnh đào tạo nghề LĐNT góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương theo tiêu chí nông thôn mới.
Mỹ Dung