Trong khi rừng phòng hộ ven biển Ninh Phước có vai trò chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm mặn của biển, chắn sóng, chống sạt lở và bảo vệ các công trình ven biển, thì rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang lại có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn nguồn nước, chống sạt lở, hạn chế lũ lụt. Diện tích rừng trải dài ở nhiều xã trong và ngoài huyện, lại giáp ranh với một số xã của huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nên công tác bảo vệ gặp không ít khó khăn. Các đối tượng thường vào khu vực rừng vùng giáp ranh để khai thác lâm sản, chặt cây hầm than, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, săn bắt động vật rừng trái phép ... tác động lớn đến tài nguyên rừng.
Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang thu giữ lâm sản khai thác trái phép.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Nam, đơn vị và các chủ rừng đã chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tổ chức nhiều đợt truy quét trên địa bàn, vùng giáp ranh, vùng rừng trọng điểm để ngăn chặn tình trạng khai thác, phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong 9 tháng năm 2013, lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức 87 đợt truy quét, với trên 700 lượt người tham gia; phát hiện 28 vụ vi phạm; tịch thu trên 17m3 gỗ các loại và nhiều tang vật, phương tiện khác, thu nộp ngân sách trên 82 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Hảo, Phó Trưởng Ban quan lý Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang cho biết: Công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa các lực lượng luôn chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể. Định kỳ hàng tháng và đột xuất vào các đợt cao điểm, chúng tôi phối hợp với Hạt Kiểm lâm hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước tổ chức truy quét dài ngày trong rừng.
Phần lớn diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang thuộc địa bàn xã Phước Hà, một xã còn nhiều khó khăn của huyện Thuận Nam, với đa số đồng bào Raglai có tập quán sống dựa vào rừng. Từ chỗ tuyên truyền, vận động bà con không phá rừng làm nương rẫy, nhận khoán và tham gia trồng rừng theo Dự án 661, đến nay địa phương đang hướng vào việc đảm bảo dân sinh trên địa bàn, để người dân vùng đệm ven rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng, đảm bảo việc hưởng lợi lâu dài và bền vững từ rừng. Đồng chí Tà Yên Úc, Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: Ngoài Ban chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng cấp xã, địa phương còn có 5 tổ bảo vệ rừng tại các thôn. Xã cũng phối hợp thường xuyên với các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về lợi ích cũng như sự cần thiết phải bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Những năm gần đây, đời sống kinh tế của bà con có nhiều cải thiện, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao nên số trường hợp phá rừng làm nương rẫy giảm hẳn. Vừa qua, ngành kiểm lâm đã tiến hành khảo sát và đang lên kế hoạch giao rừng khoán quản với diện tích 500 ha cho UBND xã.
Không chỉ riêng Phước Hà, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng được triển khai ở nhiều địa phương khác. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 32 đợt tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại 8 xã, với trên 1.000 lượt người tham gia, tổ chức 6 đợt kiểm tra công tác PCCCR tại các đơn vị chủ rừng và các xã có rừng. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2013, với nội dung và hình thức phong phú, sát với thực tế địa phương.
Bảo Bình