Trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 4.000 xe tải (xe thùng và xe ben) đang hoạt động, chưa kể trên các tuyến quốc lộ, xe tải từ các địa phương lưu thông qua địa bàn tỉnh. Không khó để nhận biết loại xe tải chở quá quy định cho phép bởi rất nhiều phương tiện khi vận chuyển hàng hóa đã cơi nới thùng chứa hàng để chất thêm hàng hóa.
Lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra trọng tải xe trên tuyến QL 27.
Nhiều xe chở vật liệu xây dựng, hàng hóa quá đầy đã làm rơi vãi xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; chưa kể gây nguy cơ mất an toàn kỹ thuật trong quá trình vận hành phương tiện và gây hư hỏng, xuống cấp các công trình, kết cấu giao thông… Ông Trình Như Sơn, Phó Chánh Thanh tra Giao thông tỉnh cho biết: Qua theo dõi, phần lớn xe tải đều chở quá quy định cho phép, trong đó có hai biểu hiện vi phạm đó là quá tải thiết kế và quá tải cầu đường. Cả hai đều gây nguy hiểm đến ATGT. Bởi nếu chở quá trọng tải thiết kế cho phép thì phương tiện sẽ khó vận hành, ảnh hưởng các thông số kỹ thuật của xe, gây hỏng hóc phương tiện. Còn xe chở quá tải trọng cầu đường, sẽ làm hư hỏng, sụt lún kết cấu công trình hạ tầng giao thông. Mặc dù vậy, việc xử lý xe quá khổ, quá tải hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Theo chân tổ công tác của Thanh tra Giao thông tỉnh, chúng tôi nhận thấy, nhiều xe tải khi biết có lực lượng kiểm tra đã ngừng hoạt động, một số phương tiện tìm đường khác để đi tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Còn một số xe ben chở cát trên QL 27B quá trọng tải xe cho phép, nước trên thùng xe chảy xuống đường nhưng khi kiểm tra lực lượng thanh tra đã không thể xử lý do không quá tải cầu đường. Một nhân viên trong tổ cho biết, việc xử lý xe chở quá tải trọng cho phép lại thuộc chức năng của lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông chỉ xử lý trường hợp xe chở quá tải trọng cầu đường.
Theo lãnh đạo Thanh tra giao thông tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 235 trường hợp vi phạm do chở quá khổ, quá tải; xử phạt vi phạm hành chính 641 triệu đồng. Ông Sơn cho biết thêm: Trong điều kiện hiện nay, Thanh tra giao thông chỉ có 3 cân cũ nên mỗi đợt cân 1 trục chỉ ở mức 10-20 tấn. Trong khi đó, nhiều xe tải, nhất là xe ngoại tỉnh chạy qua địa bàn lại chở nặng hơn trọng tải cân cho phép, nên phải thuê cân điện tử của các doanh nghiệp, kết hợp với việc đối chiếu vào hóa đơn chở hàng so với trọng tải xe để phát hiện, xử lý. Một khó khăn nữa trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải đó là lượng xe ngoài tỉnh chở quá tải với lượng lớn khi đi qua quốc lộ nhưng khi lực lượng thanh tra yêu cầu dừng xe thì không chấp hành, do đó phải nhờ sự phối hợp của lực lượng CSGT mới xử lý được. Chưa kể có một số chủ xe lợi dụng mối quan hệ, sử dụng xe cơ quan để chở hàng quá tải, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó lực lượng chuyên môn để xử lý còn mỏng và việc thực hiện tại một số đia phương chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng xe vi phạm từ các địa phương lân cận vẫn thường xuyên chạy trên đường qua các địa phương khác.
Thiết nghĩ, để xử lý nghiêm tình trạng xe tải chở quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông, các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và xử lý rốt ráo trên toàn quốc; có sự phối hợp giữa Công an tỉnh với Thanh tra Tổng cục trên cơ sở có phương án phối hợp, có phân nhiệm rõ ràng để tăng cường kiểm tra, xử lý xe vi phạm trên các tuyến quốc lộ. Cần có sự phối hợp giữa thanh tra giao thông với công an các huyện để cân trọng tải xe trong tỉnh. Kết hợp công tác tuyên truyền để lái xe và chủ phương tiện thấy được lợi ích về an toàn tính mạng và bảo đảm độ bền của phương tiện, kết cấu cầu đường. Có như vậy thì tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn mới được ngăn chặn, đảm bảo cho việc lưu thông thực sự an toàn.
Anh Tuấn