Hụt thu ngân sách lớn
Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Nguyên nhân hụt NSNN năm 2013 là do nền kinh tế vẫn rất khó khăn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp; sức tiêu thụ của nền kinh tế vẫn thấp; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp cao hơn so với các năm trước. Cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã làm giảm số thu NSNN ngay trong năm khá lớn. Vì vậy, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
Trước bối cảnh hụt thu lớn, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại Điều 49 của Luật NSNN, theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8%GDP lên 5,3%GDP.
Về dự toán ngân sách năm 2014, Chính phủ xây dựng dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013; đề nghị tăng chi 2,9% so với dự toán năm 2013 và bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, tình hình thực hiện thu NSNN năm 2013 nổi lên một số vấn đề, đó là: Trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,4%, nhưng Chính phủ báo cáo số liệu hụt thu nội địa khá lớn. Ủy ban đề nghị, Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu NSNN, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu NSNN tích cực hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị, Chính phủ tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh trong năm 2013 để phản ánh đúng tình hình thu NSNN; số nợ Quỹ hoàn thuế còn lại của 2 năm 2011, 2012 sẽ được xử lý dần vào các năm sau. Đồng thời, tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT, chống tình trạng gian lận trong tự in hóa đơn, lập hồ sơ xuất khẩu “khống” để chiếm đoạt tiền hoàn thuế đang diễn ra khá phức tạp.
Huy động vốn thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia đạt thấp
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011 - 2015. Theo báo cáo Chính phủ, sau 3 năm thực hiện, trong bối cảnh khó khăn khi kinh tế tăng trưởng chậm hơn mức dự kiến, nhưng các chỉ tiêu an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, xã hội… tiếp tục được cải thiện. Điều kiện sống, ăn ở đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân vùng khó khăn và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người từng bước được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh (từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,6% năm 2012, dự kiến năm 2013 chỉ còn 7,6%); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm (từ 4,43% năm 2010 xuống còn dưới 4% năm 2013); số lao động được tạo việc làm năm 2013 ước đạt khoảng 1,54 triệu người; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 78% năm 2011, dự kiến lên 82% năm 2013; tỷ lệ số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 60% năm 2013.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã thẳng thẳn chỉ ra những tồn tại trong 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Báo cáo cho rằng, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng kết quả huy động vốn trong 3 năm thực hiện các chương trình MTQG đạt thấp, khả năng huy động không đạt nguồn lực đầu tư cần thiết theo Nghị quyết của Quốc hội, dẫn tới nhiều chương trình MTQG khó đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2011 – 2015.
Thêm nữa, chất lượng và hiệu quả thực hiện ở một số chương trình chưa cao, tính bền vững còn hạn chế; phân bổ và giao vốn chậm, hiệu quả sử dụng vốn ở một số chương trình MTQG tại một số địa phương còn thấp, chuyển nguồn lớn, có biểu hiện thất thoát, lãng phí. Công tác quy hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư của một số chương trình chậm, thời gian kéo dài, chất lượng quy hoạch ở một số nơi chưa tốt. Việc bố trí dự án đầu tư ở một số chương trình chưa phù hợp với năng lực tài chính, chưa thực sự bám sát vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương ...
Xin phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ
Cũng trong buổi chiểu, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, trên cơ sở rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nhu cầu cấp bách theo đề nghị của các bộ, ngành và địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 (không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012 - 2015).
Với phương án phát hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ.
Như vậy, trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung 170 nghìn tỷ đồng, Chính phủ trình Quốc hội phương án sử dụng như sau:
Bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên); bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011 - 2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỷ đồng.
Bố trí 20 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA (phần vốn đối ứng các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); bố trí 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam