Ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày
Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992. (Ảnh: TTXVN)
Giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam
Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, Trưởng Ban Biên tập DTSĐHP năm 1992 Phan Trung Lý, trình bày nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, không nên ghi từ “dân chủ” tại Điều 1 vì nội dung Điều này thể hiện tính độc lập, có chủ quyền của quốc gia mà nên ghi từ “dân chủ” trong Điều 2 để thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.
Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này, giữ quy định tại Điều 1 như Hiến pháp năm 1992 và bổ sung vào khoản 2 Điều 2 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), ông Phan Trung Lý cho biết, qua tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nên viết gọn lại theo hướng chỉ ghi vai trò lãnh đạo của Đảng, còn bản chất của Đảng, trách nhiệm của Đảng thì không quy định trong Hiến pháp mà quy định trong Điều lệ Đảng; một số ý kiến đề nghị cần khẳng định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đề nghị quy định Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình.
Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001)); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Điều 4 của Dự thảo.
Về quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế tùy tiện, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 14, bởi vì quy định như trong Điều 14 các quyền con người, quyền công dân “được quy định trong Hiến pháp và luật” là chưa đầy đủ, chưa phù hợp vì còn có nhiều quyền tuy không được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng vẫn được tôn trọng, bảo đảm.
Ủy ban DTSĐHP tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lại quy định tại Điều này như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Về mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân (Điều 14), có ý kiến tán thành với quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” như trong Dự thảo trình Quốc hội.
Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế một cách tùy tiện mà phải theo quy định của luật; cần quy định cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn và xác định những quyền nào là quyền không thể bị giới hạn. Có ý kiến cho rằng quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp khẩn cấp” là không chính xác và chưa đầy đủ, do đó, đề nghị bỏ cụm từ này. Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “trật tự công cộng” bằng cụm từ “trật tự an toàn xã hội”.
Báo cáo do ông Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, việc hạn chế các quyền này phải được quy định chặt chẽ trong luật để tránh nguy cơ tùy tiện, lạm dụng. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng yêu cầu quy định chặt chẽ vấn đề này.
Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 14 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), qua tổng hợp ý kiến về vấn đề này, có các loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về thu hồi đất tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp để thực hiện “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều trường hợp cũng đã được thể hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy cũng tránh được việc lạm dụng trong thu hồi đất.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị không quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp mà để Luật đất đai quy định thì bảo đảm tính linh hoạt hơn trong quản lý đất đai.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng nêu rõ các vấn đề như: Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường; Thay “Đồng tiền quốc gia” bằng “Đơn vị tiền tệ quốc gia”; Không quy định thời điểm có hiệu lực trong Hiến pháp...
Cũng trong sáng 22/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Số vụ việc phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng
Theo Báo cáo, năm qua, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (4 người bị xử lý hình sự, 33 người bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý).
Về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, toàn ngành đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng và 1.374 ha đất (đã thu hồi 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ, 52 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011 là 14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý đối với 27 cá nhân; chuyển 07 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.
Tại Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện đánh giá, mặc dù Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh, đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác PCTN, nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân đồng thời đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, UBTP nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ năm nay vẫn chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế, yếu kém mà qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục; chưa có sự so sánh với kết quả trong từng mặt công tác của năm 2012 (ngoài kết quả phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng) để thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình tham nhũng cũng như hiệu quả của công tác PCTN trên các mặt công tác, qua đó làm rõ được các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp PCTN phù hợp, hiệu quả và khả thi.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, điều đáng lưu ý là qua nhiều năm đánh giá, kiểm điểm, Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác PCTN hoặc những nơi, những lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để từ đó kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt.
Thẩm tra về kết quả công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, UBTP cho rằng, việc phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn yếu, đây là hạn chế đã kéo dài nhiều năm nhưng việc khắc phục rất chậm. Hầu hết các địa phương mà Đoàn của UBTP tiến hành giám sát, khảo sát đều cho rằng, số vụ việc phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tiền, tài sản sai phạm có liên quan đến tham nhũng phát hiện được qua công tác thanh tra, kiểm toán là rất lớn, nhưng kiến nghị thu hồi khoảng trên 40%, số thu hồi được còn thấp hơn nữa (đạt dưới 50% số tiền, tài sản kiến nghị thu hồi).
Tại các địa phương, Cơ quan thanh tra tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng (có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 01 đến 02 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính...). Việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị sau kết luận của Thanh tra, Kiểm toán thực hiện còn hạn chế…
Kết thúc phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam