So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, dự thảo Luật việc làm sau khi chỉnh lý gồm 7 chương, 63 điều (dự thảo trình Quốc hội có 61 điều), quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm.
Mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (Chương VI), trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng (Điểm c, Khoản 1, Điều 44).
UBTVQH cho rằng, mục tiêu mở rộng an sinh xã hội cho người lao động là cần thiết trong quá trình phát triển thị trường lao động. Đối tượng này tuy có mức độ ổn định yếu hơn nhưng là đối tượng đã có quan hệ lao động, cần thiết phải thu hút để tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, việc mở rộng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng sẽ có những khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện. Để nâng cao tính khả thi của chính sách, các cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra, tạo cơ hội cho nhóm lao động này tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm an sinh cho mình.
Cho ý kiến vào nội dung này, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng mặc dù quy định mang tính nhân văn nhưng trong thực tế không khả thi, bởi rất khó kiểm soát và biết bao giờ mới thực hiện được khi trên thực tế các đối tượng có hợp đồng lao động từ 12 tháng còn đang rất khó khăn trong việc nhận bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, theo đại biểu Châu, chỉ nên quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên.
Mặt khác, một số ý kiến đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở phạm vi trên sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát được tình trạng thất nghiệp và chưa phù hợp với khả năng quản lý, tổ chức thực hiện.
Xã hội hóa công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là cần thiết
Liên quan đến tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm (Chương V), dự thảo Luật quy định Trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập phải phù hợp với quy hoạch và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và phải có ý kiến thẩm định của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (Điều 38).
Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), mong muốn người lao động được hưởng đời sống tốt lên là đích cuối cùng của dự thảo Luật việc làm. Tuy nhiên, nếu Bộ Lao động – Thương binh và xã hội “ôm” thêm việc phê duyệt giấy phép hoạt động của các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm thì có nên không, trong khi Bộ còn bao việc chưa làm hết?. “Tại sao không giao trực tiếp cho địa phương – nơi có đủ điều kiện giám sát chất lượng, hoạt động của những trung tâm này” – đại biểu Tùng nói. Cũng theo đại biểu Tùng, cần cân nhắc việc quy định Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ chịu trách nhiệm chi trả bảo hiểm thất nghiệp như Dự thảo, bởi sẽ “đẻ’ ra bộ máy độc quyền và tăng chi phí đối với người lao động. Nên chăng giao cho BHXH địa phương thực hiện việc này?
Một số ý kiến cho rằng không nên giao cho các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề vì dễ xảy ra tình trạng lợi dụng, không chính xác trong đánh giá, gây lãng phí. Đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) thẳng thắn chỉ ra những ý kiến này là hết sức chủ quan, thể hiện tư tưởng độc quyền nhà nước, cũng như chưa hiểu rõ về các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Nhất thời không đưa ra được số liệu cụ thể, song đại biểu Pha cho biết, trong quá trình làm việc, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đặc biệt là Hội nông dân đã đào tạo, dạy nghề tốt cho nhiều lao động, nông dân, góp phần giải quyết việc làm ổn định thu nhập cho người dân. Vì vậy, đại biểu Pha cho rằng, Chính phủ cần tính đến việc trao thêm quyền cho các tổ chức xã hội để đi đúng theo con đường xã hội hóa.
Về vấn đề này, UBTVQH cũng cho rằng, việc xã hội hóa công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa các dịch vụ công. Pháp luật hiện hành cũng đã cho phép các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ hoặc doanh nghiệp có đủ điều kiện được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Dự thảo Luật quy định tổ chức đánh giá kỹ năng nghề là tổ chức hoạt động có điều kiện, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, được thu phí theo quy định của pháp luật phí và lệ phí (Điều 32). Để bảo đảm tính khả thi và trách nhiệm quản lý nhà nước, Chính phủ cần quy hoạch mạng lưới tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, quy định cụ thể các điều kiện thành lập, thủ tục cấp phép cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam