Hội nghị triển khai phổ biến Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Quang cảnh Hội nghị triển khai Nghị định 95/2013/NĐ-CP,
ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định này, phạt tiền từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ đối với người sử dụng lao động có hành vi không bố trí nơi làm việc, không đảm bảo các phương tiện làm việc cần thiết cho cán bộ công đoàn.
Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Không bố trí thời gian trong giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách hoạt động công tác công đoàn; không cho người làm công tác công đoàn chuyên trách được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như những người lao động khác trong cùng tổ chức; phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; không cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở vào tổ chức để hoạt động công tác công đoàn.
Phạt tiền từ 10.000.000đ – 15.000.000đ đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn; không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động…
Người lao động đi làm việc ở ngước ngoài có thể bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định. Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm hoặc 5 năm...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu có hành vi không báo cáo danh sách lao động xuất cảnh với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hoặc không phối hợp với các cơ quan này trong việc quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Đối với việc giao kết hợp đồng lao động nói chung, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng nếu có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động hoặc buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; bị phạt từ 02 - 05 triệu đồng nếu yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần, thử việc quá thời gian quy định hoặc trả lương thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó…
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định các mức xử phạt đối với các vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; về việc cho thuê lại lao động; về lao động nữ…, cụ thể: phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu người sử dụng lao động không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút/ngày hoặc sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi thực hiện hoạt động kiểm định nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã hết hiệu lực; sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kề từ ngày 10/10/2013, thay thế cho Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06/5/2010, Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 và Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10/9/ 2007.
Lý Thanh