Cô giáo Não Thiên Minh Nguyệt. Ảnh: Sơn Ngọc
Vào một ngày nắng nhẹ của 11 năm về trước (hồi tôi học lớp 7), tôi đến trường với niềm hứng khởi khác hơn ngày thường. Tiết học Toán, Lý và Giáo dục công dân lần lượt qua đi để nhường chỗ cho tiết Văn- tiết cuối của buổi học hôm ấy. “Giờ tập làm văn hôm nay thay vì học theo sách giáo khoa, chúng ta hãy cùng nhau bàn về chủ đề “Cái gì là quý giá nhất trên đời” cả lớp cùng tham gia thảo luận”- Lời của cô vừa dứt, thì cả lớp bắt đầu rôm rả, hào hứng, hình như mỗi người đều có được một câu trả lời cho riêng mình. Một cánh tay giơ lên, đó là Tâm “béo”- “Em thưa cô là không khí ạ! Nếu thiếu không khí thì ta không thể sống được!”. Nhiều thành viên trong lớp gật gù ra chừng đồng tình với ý kiến của Tâm. Cô chỉ cười nhẹ. Cô vẫn im lặng rồi chỉ tiếp bạn Quỳnh. Với giọng nói rõ ràng: Thưa cô cùng các bạn, em nghĩ nước là quý nhất ạ!”. Đám bạn trai Lý, Toản cùng Lượng - ba học sinh cá biệt ngồi bàn cuối đồng thanh “đế” thêm: “Đúng rồi, thiếu nước thì sống sao được”…Hai trong số 5 ý kiến đã được nêu ra. Cô nói thêm “Tôi cần một ý kiến tiếp theo, tôi muốn hỏi em Vinh - học sinh chăm chỉ, cần cù nhất của lớp”. Vinh là tôi đấy, trời ạ, từ bấy tới giờ mình để ý các bạn phát biểu nào là nước, là không khí, là tiền, là lửa…đều trùng với suy nghĩ của mình rồi, song có vẻ là cô chưa đồng ý với ý kiến của các bạn cho lắm; bây giờ cô gọi mình thì biết làm sao đây?”- Khi đó tôi nghĩ thế, thôi thì đành trả lời bừa vậy- “Em thưa cô là thức ăn ạ!”.
Lần này thì cô không cười nữa, cô chùn mặt lại và có chút gì đó thất vọng về tôi. Tôi cúi mặt và cô bắt đầu lên tiếng, lời của cô rõ này: “Các em này, ai đó cũng tìm cho mình một câu trả lời có liên quan tới vật chất như thức ăn, nước, không khí… để trả lời cho câu hỏi Cái gì là quý nhất?… ngay cả Vinh” (Tôi ửng mặt nhưng đến đây tôi muốn ngẩng mặt lên để nghe cô nói tiếp và tôi đã làm như thế). “Thực ra, cô không phủ định rằng những cái mà các em vừa chỉ ra là rất quý, thiếu nó rất có thể con người sẽ chết. Vậy chúng quý nhưng chúng cùng quý như nhau chứ, làm sao khẳng định cái nào quý nhất trong mấy cái ấy được phải không các em?”. Cả lớp không một tiếng ồn. Cô trầm giọng và nói tiếp “Là bàn tay lao động các em ạ!. Cô nghĩ bàn tay lao động là quý nhất. Bàn tay lao động của bố mẹ là bàn tay yêu thương các em; bàn tay lao động của bác công nhân là bàn tay tạo ra của cải, vật chất nuôi sống cộng đồng; bàn tay lao động của các em là bàn tay trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… “Bàn tay ta làm nên tất cả./ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (Hoàng Trung Thông) thật là chí lý! Với chất giọng nhẹ nhàng và truyền cảm đúng cái thiên phú của một cô giáo dạy Văn, cô đã làm cho tôi vỡ lẽ ra nhiều điều. Câu hỏi của cô quả không đơn giản. Tôi tự trách mình là một học sinh nông thôn nghèo khó mà không hiểu được dụng ý của câu hỏi cũng như đã trả lời một cách thiếu suy nghĩ… Hôm ấy về nhà, tôi thực sự đã suy nghĩ về những điều cô nói rất nhiều Trong câu giải đáp cho chúng tôi, cô vẫn nói là “cô nghĩ”- điều đó chứng tỏ câu trả lời ít nhiều mang tính chủ quan của cô. Nhưng tôi cho rằng câu trả lời ấy của cô hợp lý và đúng đắn lắm. Cả cuộc đời cô, cô đã lao động miệt mài, phấn đấu cho sự nghiệp “trồng người” không biết mệt mỏi; bàn tay lao động của cô, hẳn có nhiều chai sạn nhưng cũng hái được nhiều quả ngọt rồi, đặc biệt học sinh qua bao nhiêu thế hệ đều yêu mến, kính trọng cô… Bằng chứng sống ấy lại càng khiến tôi không thể nào quên được bài học hôm đó.
Sau này lớn hơn, tiết học đó của cô còn theo tôi mãi. Khi tôi lười biếng và chán học, tôi lại nhớ tới bài học hôm ấy của cô mà tu chỉnh, phấn đấu hơn. Khi tôi đọc mẩu chuyện về một người mẹ dành cả tháng lương đi làm thuê vất vả cho con để rồi chính người con đó đã dùng số tiền ấy để ăn chơi, phí hoài tuổi trẻ và tương lai… tôi đã khóc. Và nhiều lần như thế nữa…
Những ký ức về tuổi học trò của tôi không bao giờ thiếu cô. Cuộc sống với bao bộn bề, nhiều điều khiến ta phải lo âu, lao lực…nhưng có bài học chiều hôm ấy và hình ảnh một người thầy đáng kính luôn luôn bên mình, tôi cảm thấy vững bước, tự tin thêm nhiều. “Dẫu mai đi mọi phương trời, những lời thầy dạy đời đời khắc ghi”. Bằng tất cả trái tim mình, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới người thầy ấy!.
Danh Vinh