Các trường THPT khó khăn trong xây dựng đạt chuẩn Quốc gia, vì sao?

(NTO) Theo “Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020” đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 2530/QĐ-UBND, ngày 12-12-2012) thì một trong những mục tiêu phát triển giáo dục THPT của tỉnh ta là đến năm 2015 tỷ lệ các trường THPT đạt chuẩn quốc gia đạt 25% và năm 2020 đạt 50%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh ta mới chỉ có 1/19 trường THPT được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 5,2%.

Khó khăn về cơ sở vật chất

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay, đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hai tiêu chuẩn mà các trường khó đạt được nhất hiện nay là cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Riêng “cơ sở vật chất” đang là khó khăn hàng đầu bởi các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng cho giáo dục hiện nay vẫn còn rất hạn chế, chưa thể đáp ứng được yêu cầu; công tác xã hội hóa giáo dục chưa đủ mạnh.

 
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm 2014.

Ngay những trường THPT đóng trên địa bàn thành phố như: Nguyễn Trãi, Chuyên Lê Quý Đôn hiện nay cũng chưa đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. Thầy giáo Trần Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, trường đã cơ bản đạt 4/5 tiêu chuẩn theo quy định đánh giá trường THPT của Bộ GD&ĐT bao gồm: tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; công tác xã hội hóa. Riêng tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, phải đợi đến đầu năm 2014, sau khi hoàn thành các công trình nhà hiệu bộ, phòng học chuyên môn đang được xây dựng thì trường mới có thể làm hồ sơ để đề nghị được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Ngoài việc thiếu và chưa đạt chuẩn về hệ thống các phòng chức năng, phòng học bộ môn… thì Trường THPT Nguyễn Trãi còn có diện tích đất quá hẹp, không đạt yêu cầu. Với những trường ở các huyện, vấn đề về cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn. Thầy giáo Dương Đình Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Hải cho biết, trường đã được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Các tiêu chí về chất lượng giáo dục; đội ngũ quản lý, giáo viên… nhà trường đều đang tập trung nỗ lực cố gắng. Riêng cơ sở vật chất vẫn đang là vấn đề nan giản nhất bởi hiện trường mới chỉ có đủ phòng học, còn các phòng chức năng như thư viện, phòng học vụ, thí nghiệm và các phòng bộ môn vẫn còn thiếu hoặc chưa đảm bảo diện tích và trang thiết bị đạt chuẩn. Điều kiện sân chơi, bãi tập cho học sinh cũng chưa được đầu tư đúng mức, hội trường, nhà đa năng chưa có”.

Làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục?

Cùng với cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục cũng đang được xem là “bài toán” nan giải của các trường THPT hiện nay mà nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đầu vào thấp, phụ huynh và học sinh còn thiếu nỗ lực trong học tập. Điển hình như Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước – là trường nằm trong tốp đầu các trường THPT có tỷ lệ đầu vào cao của tỉnh và cơ sở vật chất cũng đã khá hoàn thiện nhưng theo thầy giáo Trương Viết Hải, Hiệu trưởng nhà trường thì thành tích học tập của học sinh trên hồ sơ, giấy tờ tuyển sinh có sự khác biệt rất lớn so với học lực thực sự của các em. Học sinh bị hỏng kiến thức từ lớp dưới, khi lên lớp 10, nhiều em lại bị “sốc” vì không bắt kịp với khối lượng kiến thức và phương pháp học mới ở trường THPT. “Dù đã rất nỗ lực với nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm qua cũng đã có sự tiến triển rõ nét nhưng đến cuối năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh yếu, kém của trường vẫn ở mức 15%, học sinh bỏ học 2% - còn thua xa so với tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia” – Thầy Hải chia sẻ.

Để giải “bài toán” về nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp THPT, ý kiến chung của nhiều giáo viên là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm của tất cả các cấp học. Mặc dù những năm học gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong tăng cường kiểm tra, đánh giá, hạn chế tiêu cực trong thi cử… nhưng không ít giáo viên TH, THCS cho biết, họ vẫn bị áp lực về đảm bảo sĩ số lớp nên đôi lúc vẫn phải “nhắm mắt làm ngơ” để học sinh đủ điểm lên lớp. Vì nếu bị lưu ban hoặc thành tích học kém, các em rất dễ chán nản và nghỉ học.

Như vậy, để đạt được mục tiêu, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh ta, không chỉ đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trường THPT phải nỗ lực cố gắng, mà phải có sự liên kết chặt chẽ của toàn ngành. Cùng với đó, rất cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về giáo dục trong toàn xã hội.