Đối với hành vi vi phạm hành chính về in hóa đơn: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử; hành vi vi phạm quy định về in hóa đơn đặt in có các khung phạt tiền mức thấp nhất là 2.000.000 đồng, mức cao nhất là 50.000.000 đồng. Tùy theo mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; hoặc đình chỉ in hóa đơn từ 1 tháng đến 3 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Đồng thời, còn bắt buộc tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải hủy các hóa đơn được in, được khởi tạo không đúng quy định; buộc phải hủy các hóa đơn cho, bán của khách hàng đặt in này cho khách hàng khác, hoặc hóa đơn giả.
Đối với hành vi vi phạm hành chính về đặt in, mua hóa đơn: Có khung phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 2.000.000 đồng, mức cao nhất là 50.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là phải thực hiện hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định; hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng; hóa đơn đã mua và chưa lập.
Đối với hành vi vi phạm quy định về phát hành; sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ; sử dụng hóa đơn của người mua Có khung phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng, mức cao nhất là 50.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả là phải thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định; hủy hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo và báo cáo (trừ thông báo phát hành hóa đơn) cho cơ quan thuế: Có mức phạt tiền thấp nhất là 200.000 đồng, mức cao nhất là 8.000.000 đồng.
Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về hóa đơn nêu trên, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng mức tối đa. Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình. Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, NĐ 109 cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa đơn. Theo đó, công chức Thuế đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng Đội Thuế có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Chi cục trưởng Chi cục Thuế có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Cục trưởng Cục Thuế có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 70.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Lê Thành