Trường TH Văn Lâm: Thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam

(NTO) Trường TH Văn Lâm (xã Phước Nam, Thuận Nam) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và là một trong những trường TH của huyện Thuận Nam áp dụng thí điểm mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN). 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Chăm.

Năm học 2013-2014, Trường TH Văn Lâm có 697 HS, gồm 25 lớp. Trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, cho 15 lớp, trong đó khối lớp 2 có 5 lớp với 59 HS; khối lớp 3 có 5 lớp, với 82 HS học và khối 4 có 5 lớp, với 137 HS theo mô hình VNEN.

Lớp 21 trong giờ học môn vẽ.

Thầy Sử Ngọc Khuê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban đầu, nhà trường áp dụng mô hình VNEN với khối 2 và khối 3, hoạt động dạy và học có nhiều đổi mới nên nhà trường gặp không ít khó khăn, các phòng học phải được sắp xếp và trang trí theo đúng yêu cầu; học sinh chưa quen với việc học tập theo nhóm. Ngoài ra, tâm lý cha mẹ học sinh cũng còn băn khoăn về khả năng đáp ứng học tập theo mô hình mới của con em mình. Lãnh đạo trường phải thường xuyên động viên, tích cực trong các hoạt động, tạo mọi điều kiện tốt nhất để mô hình dạy học mới được triển khai đúng hướng. Qua 2 năm thực hiện, nhận thấy học theo mô hình VNEN giúp học sinh học tập tốt, nắm bắt kiến thức, kỹ năng sống đạt hiệu quả cao.

Giờ học dưới sự điều hành của nhóm trưởng, các nhóm nghiêm túc học bài và hăng hái thảo luận mỗi khi có chủ đề đưa ra. Đặc biệt, những học sinh khá, giỏi trong nhóm rất nhiệt tình khi hướng dẫn bài cho các bạn học yếu. Tại các lớp 21, 22, 35, không khí học tập của học sinh rất sôi nổi và thoải mái. Hình ảnh cả lớp ngồi im lặng nghe thầy, cô giáo giảng bài không còn nữa, thay vào đó là những nhóm học sinh (5- 6 em/nhóm) ngồi thảo luận và làm các bài tập trong tài liệu theo yêu cầu. Mỗi nhóm được đặt tên khác nhau như: nhóm Hoa Lan, Hoa Huệ, Hoa Hồng, Hoa Sen … Xung quanh lớp học được trang trí các phương tiện hỗ trợ học tập, có “Góc học tập của em”, tủ đựng sách báo, hộp thông tin “Những điều em muốn nói”, “Ngày em đến lớp”… tất cả đã tạo nên một không gian và môi trường học tập thân thiện. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ các em trong quá trình tìm hiểu bài. Với việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nên giáo viên và học sinh có khả năng hoàn thành đúng chương trình học tập đề ra. Cô giáo Châu Não Hồng Hải, Chủ nhiệm lớp 22 chia sẻ: Thời gian đầu thực hiện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do phương pháp dạy học mới, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp, học sinh chưa quen nên rất vất vả. Chính vì vậy, mỗi giáo viên phải thật sự gắn bó, gần gũi với học sinh. Và bây giờ cả giáo viên và học sinh đều thoải mái, hào hứng khi tổ chức dạy học theo mô hình mới, khả năng tiếp thu bài của các em cũng tốt hơn.

Thầy Sử Ngọc Khuê cho biết thêm: Năm học 2014-2015, trường nhân rộng mô hình VNEN cho 2 khối còn lại và phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II vào cuối năm học 2015-2016.