Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đọc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam và Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 14-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.
Mốc son đánh dấu sự trướng thành của đội ngũ luật sư
Đây là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giới luật sư, nghề luật sư, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam.
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam lần này còn là sự kiện quan trọng chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn Luật sư trong quý IV-2013, tiến tới Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra vào quý II/2014.
Đối với giới luật sư Việt Nam, ngày 10-10 là ngày có ý nghĩa hết sức trọng đại. Ngày 10-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về việc quy định tổ chức các Đoàn Luật sư, đặt cơ sở pháp lý cho việc ra đời nghề luật sư của Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Từ đó đến nay, các thế hệ luật sư đã gắn bó với sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp rất đáng trân trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hiện nay, cả nước có trên 8.000 luật sư thuộc 63 Đoàn Luật sư.
Nhiều luật sư bằng tài năng, trí tuệ và nhân cách tốt đẹp của mình đã có những cống hiến xuất sắc cho việc xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Giới Luật sư đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ công lý, góp phần xây dựng một nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân...
Mặc dù mới được thành lập 4 năm, Liên đoàn Luật sư đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư, ngày càng thật sự trở thành “ngôi nhà chung” của giới luật sư Việt Nam, là tổ chức thu hút, đoàn kết, đào tạo, trau dồi kỹ năng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ luật sư để góp phần tích cực vào việc bảo vệ công lý và công bằng.
Thực hiện tốt chức năng nghề nghiệp phục vụ CNH, HĐH đất nước
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về chất lượng dịch vụ luật sư cung cấp cho xã hội ngày một nâng cao; có nhiều luật sư hành nghề rất tâm huyết, tận tụy với công việc; có luật sư được công chúng vinh danh là “Luật sư của người nghèo”, những người tự nguyện bào chữa không nhận thù lao, thậm chí còn bỏ tiền riêng để trang trải cho việc đi lại của khách hàng của mình là người nghèo.
Cho biết đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đang được triển khai ngày càng đồng bộ và đi vào chiều sâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là điều kiện rất thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi giới luật sư phát huy truyền thống, bản lĩnh nghề nghiệp để đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp chung và khẳng định vị trí, vai trò của mình trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các luật sư. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn và đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng như từng luật sư, nhận thức đầy đủ thời cơ và thách thức, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, các luật sư cần thực hiện tốt chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, của nhà nước, của cá nhân.
Để thực hiện tốt điều này, từng luật sự cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò của mình trong từng việc cụ thể như tranh tụng, tư vấn, trợ giúp pháp lý; không ngừng trau dồi kiến thức luật pháp, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề để tham gia và thực hiện có hiệu quả công việc nghề nghiệp của mình.
Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện thành công Đề án này. Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư và giới luật sư cần thúc đẩy phát triển các dịch vụ pháp lý nhằm đẩy mạnh, mở rộng phạm vi tư vấn, trợ giúp pháp lý, nhất là đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Luật sư phải là bạn đồng hành của doanh nghiệp, hướng dẫn, tư vấn, giúp doanh nghiệp trong việc bảo đảm các yêu cầu pháp lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư kinh doanh, nhất là trong đầu tư kinh doanh và trong các quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, ngoài việc trau dồi kỹ năng, đội ngũ luật sư phải thường xuyên rèn luyện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Hơn ai hết, đội ngũ luật sư phải đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp, tuân theo quy tắc đạo đức, ứng xử, độc lập, trung thực, đề cao tinh thần phụng sự công lý trong hoạt động nghề nghiệp theo chuẩn mực, quy định của luật pháp.
Thủ tướng nhấn mạnh người luật sư cần phải có một cái tâm thật sự trong sáng, phải vì thân chủ, vì công lý, công bằng xã hội. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư, cá nhân các luật sư cần coi việc tuân thủ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam như một tiêu chí hàng đầu trong hoạt động hành nghề để nâng cao uy tín, vị thế của nghề luật sư - một nghề mà xã hội rất quý trọng, tôn vinh.
Cuối cùng, nhấn mạnh đất nước đang trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng cao, Thủ tướng đề nghị giới luật sư cần tích cực tham gia công cuộc đặc biệt quan trọng này, nhất là trong xây dựng thể chế, chính sách...
Nguồn www.chinhphu.vn