Dự buổi Lễ có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ lão thành cách mạng; đại diện các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương cùng nhiều thế hệ cán bộ công tác trong ngành Kiểm tra Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: HH
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Suốt chặng đường lịch sử 65 năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; việc giữ gìn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, lề lối sinh hoạt của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có 3 thành viên chuyên trách và một số ít cán bộ giúp việc, đến nay, Ngành Kiểm tra của Đảng đã có trên 1,5 vạn cán bộ chuyên trách và 7,2 vạn cán bộ kiểm tra kiêm chức các cấp. Đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hầu hết có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, lành mạnh; trung thực, đoàn kết, thương yêu đồng chí; luôn hết lòng, hết sức, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bền bỉ, cần mẫn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những cống hiến cho cách mạng, Ngành Kiểm tra Đảng, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Nhiều tập thể và cá nhân trong Ngành đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý. Các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng đã xây đắp nên truyền thống "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy".
Đồng chí Ngô Văn Dụ đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: HH
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương thành tích và những tiến bộ của ngành Kiểm tra, của các tập thể và cá nhân thuộc các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong 65 năm qua.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác kiểm tra và việc giữ gìn kỷ luật Đảng. Cách mạng nước ta đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tăng cường công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng đổi mới, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đảng ta xác định phải tiếp tục tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XI đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời hướng dẫn thực hiện các quy chế, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; đồng thời làm tốt công tác tham mưu để hằng năm Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện có kết quả nhiều cuộc kiểm tra với nội dung sát thực tế hơn. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật của Đảng còn có nhiều việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở, trong đó, Ủy ban kiểm tra các cấp là nòng cốt. Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, có chương trình, kế hoạch chủ động kiểm tra, giám sát hằng năm. Tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, trong đó đưa nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên. Đảng ta là đảng cầm quyền, cho nên phải rất coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành quy định của pháp luật để cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện.
Thực tế cho thấy, nhiều nghị quyết của Đảng ban hành vừa qua là đúng đắn, hợp lòng dân, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; một số chủ trương, định hướng chưa trở thành hiện thực, phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, thiếu thể chế hóa thành chương trình, đề án, cơ chế, chính sách. Mọi vi phạm của tổ chức và đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, hầu hết có nguyên nhân là do thiếu kiểm tra, giám sát; nếu được kiểm tra, giám sát sớm hơn, thường xuyên hơn, hậu quả vi phạm sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc có thể sẽ không xảy ra vi phạm.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần nhận thức sâu sắc rằng, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách chủ động, thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; trong đó lấy phòng ngừa, lấy xây là chính; không chỉ làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm và xử lý vi phạm mà còn phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên và đóng góp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Khi có vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kịp thời xem xét và xử lý nghiêm minh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các đề án còn lại về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 theo Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp ủy đảng phải thường xuyên quan tâm, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ kiểm tra, bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; phát huy đầy đủ vai trò của Ủy ban kiểm tra trong tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các cấp ủy, đứng đầu là bí thư cấp ủy, cần dành nhiều thời gian hơn cho công tác kiểm tra, trực tiếp triển khai các nhiệm vụ về kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi và làm chỗ dựa vững chắc để Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện có kết quả nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và cấp ủy giao.
Buổi Lễ có sự tham dự của các thế hệ cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng qua các thời kỳ. Ảnh: HH
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Kiểm tra của Đảng và mong muốn, các cán bộ kiểm tra có trách nhiệm với Đảng nhiều hơn, công tác hiệu quả hơn. Cán bộ kiểm tra là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức và con người, rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức trong sáng, đồng thời lại phải có hiểu biết rộng, có kiến thức chuyên môn sâu. Đặc biệt, phải có tính chiến đấu cao thì mới dám đấu tranh với những hành vi sai trái, vi phạm. Hơn ai hết, những người làm công tác kiểm tra của Đảng phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Không liêm, không chính thì không nói được người khác, càng không thể đấu tranh được với người khác. Nhiều khi còn phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa mặt tích cực và tiêu cực trong con người mình; phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình để bảo vệ và giữ gìn kỷ luật và sự trong sạch.
Tổng Bí thư đề nghị, các cấp ủy đảng hết sức chăm lo tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đến khâu luân chuyển, sử dụng, đãi ngộ, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ kiểm tra phấn khởi, yên tâm công tác.
Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho đồng chí Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Công Ngọ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nhân dịp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trao Cờ thi đua, Bằng khen tặng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam