Đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động thi hành án

Sáng 10-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị về quản lý công tác thi hành án (THA) các tỉnh, thành phố phía Bắc.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Hội nghị về quản lý công tác thi hành án các tỉnh,
thành phố phía Bắc. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động THA theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó có việc thực hiện thí điểm thừa phát lại để tiến tới trình cơ quan có thẩm quyền cho triển khai chính thức; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, đặc biệt là Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hành chính; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi hành án...

Các tham luận tại Hội nghị cho thấy công tác THA và quản lý công tác THA hình sự, dân sự và hành chính trong 20 năm qua (từ năm 1993 đến nay) đã thu được nhiều kết quả, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của công dân, bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước và xã hội, bảo đảm pháp chế XHCN và trật tự pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả THA chưa cao, nhân dân còn chưa thật sự tin tưởng vào việc THA.

Trong hệ thống tổ chức, quản lý THA còn nhiều khâu chưa hợp lý như: Vai trò và cơ chế pháp lý về trách nhiệm của Tòa án nhân dân đối với công tác thi hành án còn mờ nhạt. Vai trò của UBND trong quản lý THA dân sự, hành chính chưa thật rõ; sự phân định phạm vi và thẩm quyền của công tác kiểm sát với công tác giám sát, thanh tra trong THA còn lúng túng; tổ chức cơ quan THA trong quân đội chưa hợp lý.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng công tác THA với những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong công tác THA dân sự, hình sự, hành chính; làm rõ thêm vị trí, tính chất của hoạt động THA trong mối quan hệ với các hoạt động tư pháp khác; tính đa dạng và đặc thù của mỗi loại THA (dân sự, hình sự, hành chính)… Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý, cơ quan THA hình sự, dân sự theo ngành dọc. Vai trò của UBND trong quản lý THA hình sự, dân sự, hành chính, các phương thức đổi mới quản lý công tác THA…

Về phương hướng đổi mới quản lý công tác THA, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu thảo luận và thống nhất về một số vấn đề lớn như: Phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tòa án nhân dân, cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong lĩnh vực thi hành án; Bộ Công an tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự; Bộ Tư pháp tiếp tục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính; Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư pháp quản lý công tác thi hành án trong Quân đội Nhân dân; kiện toàn tổ chức quản lý công tác thi hành án trong quân đội (cả dân sự và hình sự) theo hướng tập trung thống nhất vào một đầu mối... Đồng thời thực hiện phân cấp và xác định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong tổ chức, quản lý công tác thi hành án trên phạm vi địa phương.

Theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, toà án giữ vị trí trung tâm trong hoạt động tư pháp. Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung) cũng xác định toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Trong khi theo pháp luật hiện hành, toà án có thẩm quyền ra quyết định THA hình sự nhưng lại không có thẩm quyền ra quyết định THA dân sự và hành chính. Điều này đã làm hạn chế vai trò của toà án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Toà án thì không nắm được tình hình thi hành bản án, quyết định do tòa tuyên, không thấy hết trách nhiệm đối với việc tuyên bản án và không kịp thời giải quyết những trường hợp án tuyên không rõ, án không thi hành được.
Nguồn www.chinhphu.vn