Trao đổi các vấn đề tầm chiến lược ở Đông Á

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8, sáng 10/10, các nhà lãnh đạo đã trao đổi các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược của, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, và phát triển ở khu vực.

 

Hội nghị cấp cao Đông Á nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm bảo đảm môi trường
hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực; mở rộng liên kết và kết nối; cũng như tăng cường
hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên khác như tài chính, năng lượng, giáo dục, bệnh dịch,
quản lý thiên tai và kết nối ASEAN. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật trọng tâm “tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng” ở Đông Á.

Đánh giá khu vực đang đứng trước những vận hội mới, to lớn về hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển, nhưng vẫn còn không ít thách thức phức tạp, Thủ tướng nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao Đông Á, với tư cách là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, cần phát huy vai trò chủ động và quyết định của mình về mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược.

Hội nghị cần phát huy vai trò là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc khu vực nhằm bảo đảm các mục tiêu nêu trên; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng và bước phát triển về chất cho tiến trình liên kết, kết nối và hội nhập khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN và Đông Á cần đề ra chương trình nghị sự phát triển và mục tiêu ưu tiên phù hợp với các tiêu chí mới của Liên Hợp Quốc; đề nghị các nước cần đẩy mạnh các nỗ lực về ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt khác.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam sẽ sớm tham gia “Sáng kiến An ninh không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt - PSI”.

Về Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 (UNCLOS); đề nghị ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực thương lượng để sớm đạt Bộ Quy tắc COC.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực; mở rộng liên kết và kết nối; cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên khác như tài chính, năng lượng, giáo dục, bệnh dịch, quản lý thiên tai và kết nối ASEAN. Hội nghị nhất trí về việc đẩy nhanh đàm phán để có thể đạt được Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2015.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai Sáng kiến Phát triển Đông Á, thông qua Tuyên bố về An ninh lương thực, trong đó khuyến khích đầu tư có trách nhiệm vào sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp, mở rộng hợp tác quản lý thủy sản, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước và rừng… Đồng thời, đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực; trong đó có an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; hợp tác phòng chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, môi trường và an ninh biển; đề cao các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc; thực hiện nghiêm túc DOC và các thỏa thuận đã đạt được, đi đôi với cần thiết phải sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nguồn www.chinhphu.vn