Những thách thức lớn đối với nữ Chủ tịch FED tương lai

Sau khi được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử, đương kim Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen có cơ hội rất lớn trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử trăm năm của FED. Tuy nhiên, thách thức phía trước là không nhỏ.

Ngày 9-10, ông Obama đã chính thức đề cử bà Yellen làm người đứng đầu FED thay cho Chủ tịch Ben Bernanke sắp mãn nhiệm. Theo trình tự, việc bổ nhiệm bà Yellen còn phải chờ Thượng viện thông qua với ít nhất 60 phiếu tán thành, nhưng việc này dường như chỉ là thủ tục. Bởi trong 100 ghế tại Thượng viện Mỹ hiện nay, Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama chiếm 54 ghế, trong khi đó, so với các ứng cử viên tiềm năng khác, bà Yellen là người tương đối được Đảng Cộng hòa chấp nhận.

Nữ Chủ tịch tương lai của FED Janet Yellen. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Đồng thời, do lập trường của bà Yellen tương đối giống với ông Bernanke, ủng hộ việc sử dụng chính sách nới lỏng định lượng (QE) để giải quyết vấn đề kinh tế, cho nên, bà Yellen còn nhận được sự hoan nghênh của thị trường, nhất là từ phố Wall. Do vậy, bà Yellen có cơ hội rất lớn để vượt qua cửa ải Thượng viện, trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của FED.

Tuy rằng việc bà Yellen thay ông Bernanke gần như đã trở thành nhận thức chung của thị trường, nhưng điều đó không có nghĩa mọi chuyện sẽ thuận buồm xuôi gió. Hiện nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hóa đang đấu tranh quyết liệt về vấn đề nâng trần nợ cũng như ngân sách liên bang. Vì thế, việc Đảng Cộng hòa gây khó khăn cho bà Yellen là có thể đoán định.

Trước đây, ông Bernanke dù là người của Đảng Cộng hòa, nhưng vì chủ trương in tiền cứu kinh tế đã bị Đảng Cộng hòa chỉ trích. Thậm chí, tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2012, ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa còn tuyên bố nếu thắng cử sẽ cho người khác thay thế vị trí của ông Bernanke. Trong khi đó, bà Yellen là người của Đảng Dân chủ, lên nắm quyền vào lúc “dầu sôi lửa bỏng” giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Việc gây áp lực đối với bà Yellen cũng tương tự việc “ra đòn” nhằm vào chính sách của ông Obama.

Ở góc độ khác, thách thức đối với bà Yellen còn đến từ trong nội bộ FED. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ vào năm 2008 tới nay, FED đã ba lần thực thi QE. Phe cứng rắn trong FED đặc biệt lo ngại về khả năng QE sẽ khiến lạm phát tương lai rơi vào tình trạng mất kiểm soát, cho nên, họ ủng hộ việc rút dần QE và không ngừng tìm cơ hội chỉ trích chính sách QE, đả kích ông Bernake.

Chủ tịch FED đương nhiệm, ông Bernanke, đã tại vị hơn 7 năm, xác lập được quyền uy tương đối lớn, nhưng vẫn bị phe cứng rắn trong FED thách thức. Cho nên, việc phe cứng rắn trong FED nhân cơ hội bà Yellen ngồi chưa nóng ghế, gây áp lực buộc bà Yellen nhanh chóng rút QE cũng là điều có thể đoán định.

Thách thức thứ ba vẫn liên quan tới QE. FED đề cập tới khả năng rút QE vào tháng 9/2013 từ trước đó 4 tháng, nhưng cuối cùng không thực hiện. Quyết định bất ngờ này của ông Bernanke ít nhiều đã gây tổn hại tới “thỏa thuận ngầm” giữa FED và thị trường. Do vậy, nhiệm vụ đầu tiên của bà Yellen trên cương vị Chủ tịch FED là phải tái dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa FED và thị trường, nhằm làm giảm bớt những lo ngại không cần thiết của thị trường vào việc cắt giảm QE.

Tuy nhiên, việc cắt giảm QE như thế nào cũng lại là một thách thức nữa đối với bà Yellen. Dù cắt giảm QE vì lý do gì, FED cũng phải tính tới sự ổn định của nền kinh tế. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xuất hiện dấu hiệu không khả quan, hành động cắt giảm QE của FED có thể bị đẩy lùi. Hiện nay, giới phân tích phổ biến cho rằng do ảnh hưởng của cuộc đấu tranh giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về vấn đề nâng trần nợ cũng như ngân sách liên bang, dẫn tới việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần, đà phục hồi kinh tế của Mỹ vốn đã mong manh sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng với việc bà Yellen trở thành Chủ tịch FED, việc cắt giảm QE sớm nhất bắt đầu từ tháng 12 tới, thậm chí là phải đẩy sang đầu năm 2014. Đối với vấn đề tăng lãi suất, đại bộ phận quan chức FED dự kiến sẽ không diễn ra trước năm 2015. Do vào năm 2012, bà Yellen từng phát biểu rằng chính sách lãi suất thấp có thể sẽ kéo dài tới năm 2016, cho nên, có thể dự đoán Mỹ sẽ duy trì chính sách siêu nới lỏng trong một thời gian dài nữa.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN