Cách đây hơn một năm, sản phẩm nho Ninh Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, đến giờ việc này vẫn chưa góp phần đem lại thay đổi nào về thị trường cho mặt hàng nho Ninh Thuận. Một sự lãng phí trong khai thác giá trị to lớn của chỉ dẫn địa lý là điều thấy rõ. Cũng từ đây, yêu cầu đặt ra là làm gì để khai thác có hiệu quả chỉ dẫn địa lý của sản phẩm nho Ninh Thuận.
Nho Ninh Thuận được bày bán ở chợ, đóng gói để chuyển đi thị trường các tỉnh. Đâu là căn cứ để khẳng định đâu là nho được trồng tại Ninh Thuận? Đến lúc này vẫn chưa có câu trả lời. Điều nghịch lý, hơn một năm trước, nho Ninh Thuận đã có chỉ dẫn địa lý. Lẽ ra biểu tượng và dòng chữ này phải được gắn lên sản phẩm nho được sản xuất ở vùng đất Ninh Thuận mỗi khi đưa ra thị trường.
Đến thời điểm này, tem chỉ dẫn địa lý chỉ mới được dùng ở 5 cơ sở sản xuất nho Ninh Thuận.
Nhìn biểu tượng, người mua, có thể biết ngay xuất xứ sản phẩm nho. Còn về phía người trồng nho ở Ninh Thuận, buộc cũng phải có trách nhiệm trước sản phẩm của mình để giữ uy tín nho Ninh Thuận. Đây là những điều mà nhiều người đã từng kỳ vọng khi nho Ninh Thuận khi có chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, theo Hiệp hội nho Ninh Thuận, đến thời điểm này, tem chỉ dẫn địa lý chỉ mới được dùng ở 5 cơ sở sản xuất, bao gồm 4 cơ sở sản xuất nước uống từ nho và 1 cơ sở cung cấp nho tươi ra thị trường, trong khi có đến 42 thành viên thuộc Hiệp hội nho Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Văn Mọi, Phó Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận cho biết: “Vấn đề là phải có thống nhất chung, bởi vì Sở KHCN đã giao cho Hiệp hội nho cấp phát con tem này cho các cơ sở sản xuất. Bởi vì Hiệp hội nho không chuyên về quản lý, nên rất lúng túng. Chúng tôi cũng cần phối hợp chung của các ban nghành liên quan, đưa ra những quy chế, những quy định chúng tôi mới có thể dám làm được”.
Từ năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận đã lập đề án xây dựng chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho, mãi đến năm 2012 mới được công nhận. Nghĩa là mất khá nhiều thời gian với nhiều công việc phải thực hiện, từ xây dựng bản đồ quỹ đất trồng nho đến xây dựng bộ dữ liệu các chỉ tiêu cảm quan, hóa tính, lý tính của nho Ninh Thuận…mới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nhưng, bây giờ, khi đã có chỉ dẫn địa lý, việc khai thác giá trị của chỉ dẫn địa lý lại chưa tương xứng. Đây là điều lãng phí khi sản lượng nho mỗi năm ở Ninh Thuận không dưới 15 ngàn tấn.
Theo lộ trình mà Sở Khoa học Công nghệ và Hiệp hội nho Ninh Thuận đưa ra, để được dán tem chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm, các cơ sở sản xuất trong Hiệp hội nho Ninh Thuận phải đáp ứng các yêu cầu chung về chất lượng nho Ninh Thuận. Trước mắt, đã có 110 hộ trồng nho ở Ninh Thuận thực hiện sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ-chuyên ngành - Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho biết: “Tập cho nông dân làm quen với sản suất sạch hơn, tức là các vườn nho phải đảm bảo được tiêu chuẩn VietGAP; cho đăng ký các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý nho nhằm phổ biến và quản bá sản phẩm này ra thị trường trong và ngoài tỉnh với việc làm thủ tục xem xét và cấp phát 20.000 tem nhãn mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận”.
Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một chuyện, còn khai thác giá trị chỉ dẫn địa lý lại là một chuyện khác, đòi hỏi phải thay đổi trong cách tổ chức sản xuất, trong cách đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng, để làm được điều này, những nông dân đơn lẻ khó có thể thực hiện được. Theo thống kê, với diện tích 758 ha, cây nho chiếm 3% tổng diện tích đất nông nghiệp ở Ninh Thuận, nhưng giá trị kinh tế chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Giá trị của nho Ninh Thuận sẽ còn tăng thêm nếu như chỉ dẫn địa lý mà nho Ninh Thuận thực sự được khai thác đúng hướng.
Nguồn vov.vn