Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh phi bạo lực không chỉ là "thái độ bàng quan hay sự thụ động" trước tình trạng bạo lực, mà cần phải đứng lên chống lại sự bất công, phân biệt đối xử và sự tàn ác. Ông cũng kêu gọi mọi người dân trên toàn thế giới hãy học tập tấm gương của vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi (Ma-hát-ma Gan-đi) "nói không" với sự chia rẽ và thù hận, đứng về phía lẽ phải, giải quyết các mâu thuẫn thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cho rằng một thế giới không có bạo lực cần thiết phải có các nhà lãnh đạo, các công đồng và mọi gia đình dũng cảm để bảo vệ nền hòa bình, tự do và công bằng. Tổng thư ký LHQ lưu ý rằng để tình trạng bạo lực chấm dứt, hãy bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi trường học và công sở. Bạo lực có thể lan rộng nhưng cũng có thể chuyển thành đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng điều quan trọng nhất để chấm dứt bạo lực là phải xóa bỏ đói nghèo và đây là mục tiêu thiết yếu trong số các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015. Ông cho rằng đói nghèo là "mảnh đất màu mỡ cho bạo lực và tội ác" và xóa bỏ tình trạng bạo lực là một việc làm cần thiết trước khát vọng của hầu hết mọi người dân trên thế giới. Ngày 2-10-2007, Đại hội đồng LHQ đã quyết định lấy ngày 2-10 hàng năm làm Ngày Quốc tế Phi bạo lực nhằm thúc đẩy hòa bình, lòng bao dung, sự thấu hiểu và tinh thần phi bạo lực thông qua giáo dục và nhận thức của cộng đồng. Đây cũng là ngày sinh của vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Gandhi, người đã dẫn dắt nhân dân Ấn Độ trải qua phong trào đấu tranh phi bạo lực quần chúng để dành tự do.
Theo TTXVN