Mỹ: Một bộ phận Chính phủ phải đóng cửa lần đầu tiên sau 17 năm

Lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua, một bộ phận công sở liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động do Quốc hội nước này không đạt được thỏa thuận về ngân sách tạm thời trước hạn chót là nửa đêm 30-9 (ngày cuối cùng của tài khóa 2013).

Vài giờ trước hạn chót, Thượng viện bác bỏ dự luật của Hạ viện, trong đó yêu cầu hoãn chương trình chăm sóc sức khỏe (Obamacare) của Tổng thống Barack Obama để đổi lại việc nhất trí về thỏa thuận về ngân sách cho tài khóa mới. Dự luật ngân sách tạm thời của Hạ viện cho phép chính phủ tiếp tục hoạt động, song hoãn việc thực thi Đạo luật cải cách y tế một năm và hủy bỏ việc đánh thuế đối với các thiết bị y tế để tài trợ cho chương trình chăm sóc sức khỏe này.

Trước thời khắc cuối cùng, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bác bỏ đề xuất của Hạ viện, mà đảng Cộng hòa chiếm đa số, về việc thành lập một ủy ban lưỡng viện để đàm phán một thỏa thuận về dự luật ngân sách khẩn cấp và nhanh chóng chấm dứt nguy cơ phải đóng cửa chính phủ. Thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid tuyên bố ông sẽ không tham gia đàm phán nếu Hạ viện vẫn theo đuổi kế hoạch hiện nay. Ông Reid kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa thay vào đó hãy thông qua phương án đã được Thượng viện đồng thuận, theo đó cung cấp ngân sách để chính phủ hoạt động đến ngày 15-11.

Ít phút trước khi bước sang ngày 1-10, Văn phòng Quản lý Ngân sách của Nhà Trắng đã phát chỉ thị yêu cầu các cơ quan liên bang bắt đầu đóng cửa, khiến cho khoảng 800.000 nhân viên phải nghỉ phép, 1,4 triệu binh lính sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ nhưng có thể phải lĩnh lương chậm, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên, các khu vực tượng đài, các công viên quốc gia và các bảo tàng sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, các ngành và các cơ quan làm các nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, các toà án liên bang, cơ quan bưu chính, phần lớn nhân viên của Bộ An ninh nội địa sẽ tiếp tục làm việc.

Khả năng nhanh chóng đạt được một giải pháp là không rõ ràng và các nhà kinh tế cảnh báo đà phục hồi còn yếu của kinh tế Mỹ sẽ bị tác động nếu việc đóng cửa các cơ quan của chính phủ diễn ra không chỉ trong vài ngày. Theo Consultants Macroeconomic Advisors, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm hơn, với ước tính rằng việc đóng cửa trong hai tuần sẽ lấy đi 0,3 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của nước này. Bên cạnh đó, những công chức bị ảnh hưởng sẽ tăng cường tiết kiệm, trì hoãn việc thanh toán các khoản vay mua xe cũng như các khoản chi tiêu khác.

Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng cảnh báo việc đóng cửa chính phủ có thể gây xáo trộn mạnh đối với nền kinh tế cũng như người dân như những gì đã được thấy trong những lần đóng cửa trước đây. Ông nói hàng trăm nghìn công chức sẽ phải làm việc không lương và hàng trăm nghìn người khác sẽ ngay lập tức phải nghỉ phép vô hạn định.

Trước đây, Chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày khi rơi vào cuộc khủng hoảng tương tự trong hai năm 1995-1996.

Theo TTXVN