Thị trấn Phước Dân, hiện có 15 khu phố với gần 6.000 hộ, trong đó phụ nữ là lực lượng lao động chính trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, các nghề truyền thống và hoạt động thương mại. Trước tháng 9-2011, toàn thị trấn có hơn 1.500 hộ chưa có nhà vệ sinh tự hoại, đây là một vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ảnh hưởng đến sinh hoạt của người phụ nữ. Được sự quan tâm của cấp ủy, Đảng chính quyền địa phương, Ban Xây dựng Năng lượng (XDNL) tỉnh phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ thị trấn Phước Dân xây dưng Quy trình và thành lập Ban quản lý (BQL) quỹ TDVS cho vay xoay vòng xây hầm cầu tự hoại.
Tổng số vốn ban đầu được Ban XDNL cấp cho quỹ gần 2,3 tỷ đồng. Chương trình được triển khai theo đúng quy trình đề ra cũng như quy chế hoạt động của Quỹ TDVS quay vòng, thu lãi và tiết kiệm đạt 100%. Quỹ được thực hiện dưới sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ của Ban XDNL, Ban Tham vấn cộng đồng và chính quyền địa phương. Hàng tháng, trước khi giải ngân BQL đều tổ chức các đợt đi khảo sát thực trạng tình hình nhà vệ sinh của từng hộ vay để xét những hộ nào có nhu cầu cấp thiết nhất thì đưa vào giải ngân, tránh trường hợp sai đối tượng và mục đích sử dụng đồng vốn, sau khi phát vốn BQL tiếp tục giám sát đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn hộ vay xây hầm cầu tự hoại 3 ngăn theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của chương trình. Đồng thời, Hội phụ nữ Phước Dân tổ chức họp BQL quỹ để nắm bắt tình hình triển khai của từng khu phố, giải quyết khó khăn vướng mắc.
Với lãi suất 0,65%, được trả dần trong vòng 30 tháng, Quỹ TDVS đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có thể xây được nhà vệ sinh và được nhiều hộ đăng ký tham gia. Đến nay, số quỹ phát vay xoay vòng là 23 đợt cho 758 hộ với tổng số tiền vay xoay vòng hơn 4,5 tỷ.
Mặc dù, mỗi hộ được vay ưu đãi với số tiền 6 triệu đồng để xây hầm cầu tự hoại, nhưng hầu hết các hộ dành dụm thêm tiền để xây dựng hoàn thiện công trình phụ. Trung bình mỗi hộ xây dựng nhà vệ sinh và nhà tắm với chi phí từ 8-10 triệu đồng.
Đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Hồng Phấn, ở Khu phố 2, thị trấn Phước Dân trong niềm vui có công trình phụ khép kín mới. Được biết, do hoàn cảnh khó khăn, dù gia đình bà đã ở đây 36 năm nhưng vẫn chưa có nhà vệ sinh, khi biết có chương trình TDVS, bà đã đăng ký vay từ quỹ 6 triệu đồng và vay mượn thêm để xây hoàn thiện hầm cầu vệ sinh tự hoại 3 ngăn và nhà tắm với số tiền hơn 10 triệu đồng, bà phấn khởi:- Tôi thấy chương trình này hết sức thiết thực đối với những hộ khó khăn như gia đình tôi. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ tôi 80 tuổi, đã bị liệt 16 năm nay, việc đi lại, vệ sinh rất khó khăn. Trước đây, thường dễ mắc các bệnh tiêu hóa, hô hấp và những hôm trời mưa gió thì rất bất tiện. Giờ đây, có công trình phụ khép kín sạch sẽ nên không còn lo bệnh tật hay đêm hôm mưa gió nữa”.
Mẹ cô Nguyễn Thị Hồng Phấn bảo đảm sức khỏe nhờ có công trình vệ sinh khép kín
Qua 2 năm hoạt động, đến nay đã có 757 nhà vệ sinh có hầm cầu tự hoại 3 ngăn được xây dựng tại thị trấn Phước Dân. Nếu một hộ có bình quân 4 người thì tương đương với hơn 3.000 người được đi vệ sinh đúng chỗ, giảm thiểu được số lượng phân và nước thải ra môi trường bên ngoài. Cải thiện vệ sinh ngày càng tốt hơn, giảm thiểu các bệnh về đường ruột, giun sán, mắt đỏ…Đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ: có chỗ vệ sinh an toàn, kín đáo, giúp hạn chế được những bệnh phụ khoa, viêm nhiễm, bệnh ngoài da…
Ông Nguyễn Thật, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, chia sẻ:- Có thể nói đây là chương trình rất ý nghĩa đối với các hộ dân chưa có nhà vệ sinh trên địa bàn. Hiện tỷ lệ các hộ có nhà vệ sinh của thị trấn Phước Dân đã nâng lên rõ rệt so với trước đây. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thiết thực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Và mong muốn chương trình tiếp tục mở rộng đối tượng được vay để nhiều hộ có thêm kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh.
Hàn Dạ Nguyệt