Mục tiêu của giáo dục Việt Nam được ghi rất rõ trong Khoản 1 Điều 27 Luật Giáo dục 2005: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, một trong những hoạt động giáo dục quan trọng cho học sinh là: giáo dục thẩm mỹ.
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Bình (xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải) hướng dẫn học sinh cắm hoa,
giáo dục cho các em giá trị thẩm mỹ. Ảnh: Sơn Ngọc
Giáo dục thẩm mỹ là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong việc hình thành nhân cách của học sinh. Thông qua giáo dục thẩm mỹ, học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của cuộc sống, đồng thời có cách ứng xử tốt với người thân trong gia đình, với thầy cô, bạn bè và cộng đồng. Con người có trí tuệ thông minh, có sức khỏe cường tráng, nếu thiếu giáo dục thẩm mỹ vẫn không được coi là con người toàn diện trong một xã hội hiện đại. Giáo dục thẩm mỹ có vai trò to lớn trong nhận thức và trong lao động sáng tạo của con người.
Từ mục tiêu giáo dục đến nhận thức, thực tiễn giáo dục ở bậc THPT cho thấy một thực tế rằng, đa phần lứa tuổi HS THPT đều có ước muốn, khát khao chinh phục, khám phá, sáng tạo nên cái đẹp, chiếm lĩnh những giá trị thẩm mỹ. Song, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận HS còn nhận thức, hành động lệch lạc, phản thẩm mỹ, đi ngược lại mục tiêu giáo dục mà xã hội đang hướng tới.
Ở lứa tuổi THPT, các em dù chưa thực sự trở thành người lớn nhưng có những chuyển biến mạnh mẽ và thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là việc hình thành và phát triển của sự tự ý thức. Nó đem đến cho HS những tri giác, cảm nhận về đặc điểm cơ thể, cử chỉ, thái độ, cách hành xử, nghĩa là các em bước đầu quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ của bản thân và của thế giới xung quanh. Ngay tại trường học, việc thực hiện trang phục, lễ phục và nghi thức học đường như đồng phục, bảng tên, sinh hoạt trong giờ học… đúng quy định cũng là những biểu hiện của việc các em đã bộc lộ xu hướng vươn đến sự thẩm mỹ cho bản thân và nhà trường.
Thực hiện chức năng giáo dục thẩm mỹ cho HS, nhà trường cần có kế hoạch quản lý các hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho HS một cách hài hòa trong kế hoạch hoạt động chung của trường. Thông qua từng môn học và chương trình hoạt động ngoài giờ, nhà trường có kế hoạch chi tiết gắn kết và thực hiện mục tiêu, nội dung thẩm mỹ cần giáo dục một cách linh hoạt. Ngoài ra, do chưa xây dựng được các môn học đặc thù cho việc giáo dục thẩm mỹ cho HS, vì vậy nhà trường nên điều chỉnh theo hướng khai thác ưu thế của một số bộ môn thuộc nhóm ngành KHXH-NV, nghệ thuật sẵn có trong trường. Riêng bộ môn ngữ văn, với đặc trưng ngôn ngữ, hình tượng có khả năng tạo nên những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc, tác động đến sự cảm thụ của đại bộ phận HS vì thế phải được quan tâm đúng mức; môn Giáo dục công dân luôn hướng HS đến chân, thiện, mỹ cũng không ngừng được chú trọng tránh quan điểm coi đó là môn học phụ, không cần thiết. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp như hội trại, hội diễn văn nghệ, báo tường, các cuộc thi… phải được nhà trường lồng ghép nhiều hơn nữa nội dung tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ.
Bên cạnh nhà trường, gia đình giữ một vị trí quan trọng không thể thiếu trong việc phối hợp để giáo dục HS. Gia đình phải tạo nên tâm lý và làm nền tảng vững chắc cho các em, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của bản thân các em để chúng có điều kiện quan tâm, tìm đến các giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, cha mẹ và những người thân trong gia đình cũng chính là những người quan trọng nhất định hướng con đường cảm nhận giá trị thẩm mỹ của con em mình.
Có thể thấy rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, để công tác giáo dục thẩm mỹ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ là vấn đề không hề đơn giản. Nó không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà đòi hỏi sự toàn tâm, toàn ý chung tay, góp sức của gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Thực hiện được những giải pháp đó chính là đã góp phần giáo dục toàn diện đối với HS THPT, một nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà trường tiên tiến, chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập.
Đặng Quang Sơn