Hiệu quả từ mô hình lớp bán trú ở Trường TH Phước Kháng

(NTO) Trường TH Phước Kháng (Thuận Bắc) hầu hết là học sinh dân tộc Raglai, sống phân tán ở 5 thôn. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, huyện xây dựng 3 điểm trường ở 3 thôn: Đá Mài Trên, Đá Liệt và Suối Le.

Tuy vậy, một số học sinh cách xa trường vẫn bỏ học giữa chừng. Khắc phục tình trạng trên, từ năm học 2009-2010 Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện mô hình lớp bán trú, tổ chức cho học sinh ăn trưa và học 2 buổi/ ngày. Để thực hiện mô hình, nhà trường vận động giáo viên nêu cao tinh thần “Vì học sinh thân yêu”, mỗi thầy, cô tự nguyện tham gia dạy thêm tiết; vận động phụ huynh học sinh, các doanh nghiệp hỗ trợ gạo, chất đốt… duy trì bữa ăn cho các em. Kết quả từ thực hiện mô hình rất khả quan, trong năm không có học snh nào bỏ học.

“Thư viện xanh” của Trường TH Phước Kháng được xây dựng từ đóng góp
của phụ huynh học sinh, giáo viên thu hút học sinh đến sinh hoạt.

Với quyết tâm xây dựng trường thành “điểm sáng” trong thực hiện mô hình lớp bán trú, năm học 2011-2012 nhà trường phát động phong trào “Chung tay chăm lo cho giáo dục vùng cao” lan tỏa sâu rộng. Giáo viên tự nguyện trích một phần lương mua sơn, giấy màu trang trí phòng học, phụ huynh học sinh đóng góp vật liệu xây dựng trường lớp khang trang. Do sử dụng kinh phí quyên góp được đúng mục đích, nên uy tín của nhà trường được nâng cao. Vì vậy, năm học 2012 – 2013 khi nhà trường phát động xây dựng “Thư viện xanh” được sự hưởng ứng của đông đảo bà con địa phương. Nhiều phụ huynh học sinh, giáo viên đóng góp cây, tranh, ngày công làm nhà thư viện trong khuôn viên sân trường rợp bóng mát, thu hút học sinh đến đọc sách. Hình thức “chơi mà học” trong môi trường “thân thiện” giúp các em rèn luyện vốn ngôn ngữ tiếng Việt, mạnh dạn trong giao tiếp, mối quan hệ thầy trò gắn bó, gần gũi hơn.

Bước vào năm học 2013-2014, trường có nhiều điểm mới, các phòng học được trang bị tivi để cho học sinh xem phim hoạt hình trong giờ nghỉ. Toàn bộ kinh phí lắp đặt là do các cá nhân, tổ chức hỗ trợ. Nhà trường còn được huyện quan tâm đầu tư xây mới Nhà đa năng ở điểm trường chính tại thôn Đá Mài Trên và 2 phòng học ở điểm trường thôn Suối Le. Thầy Hồ Hữu Pha, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Về cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo cho công tác dạy và học. Hiện nhà trường đang tập trung vận động sự đóng góp của toàn xã hội để duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn cho 269 học sinh của năm học này. Điều đáng mừng là, trong tháng 9 có nhiều phụ huynh học sinh đóng góp gạo, chất đốt, một số doanh nghiệp hỗ trợ tiền, nên chất lượng bữa ăn của các em cao hơn trước. Chứng kiến con mình hoạt bát, vui đùa với đám bạn trước sân trường, chị Ka-tơ Thị Nén, mẹ học sinh lớp 5 Ka-tơ Giáo, phấn khởi cho biết: “Tôi rất an tâm khi gửi con ăn, học tại trường”.

Hiệu quả từ mô hình lớp học bán trú ở Trường TH Phước Kháng có tác động thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục, từ đó huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục vùng cao. Hiện mô hình lan tỏa sang một số trường trên địa bàn huyện, như: Trường TH Xóm Bằng, Bỉnh Nghĩa (Bắc Sơn), Suối Giếng (Công Hải)…