Đi ngược dự đoán
Trong một tuyên bố sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của FED) cho biết: Mặc dù kinh tế Mỹ có dấu hiệu khá hơn, nhưng vẫn chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, chưa đủ để giảm quy mô chương trình kích thích mà FED đang thực hiện. FOMC cho rằng giảm kích thích kinh tế vào thời điểm này có thể làm chậm tốc độ phục hồi nền kinh tế và thị trường lao động.
Do những lo ngại trên, FOMC cũng giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm nay 0,3 điểm phần trăm xuống mức từ 2 đến 2,3%. Trước đó, FOMC dự báo mức tăng 2,9 - 3,1%.
Hình ảnh ông Bernanke phát biểu trong buổi họp báo ngày 18/9 trên màn hình TV ở
Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN.
Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke phát biểu trong cuộc họp báo: Nếu giảm chương trình kích thích mà khiến nền kinh tế phát triển chậm lại thì chắc chắn cần phải cân nhắc. Tuy nhiên, FED vẫn có thể cắt giảm chương trình QE trong vòng ba tháng tới nếu triển vọng kinh tế sáng sủa hơn. Về việc này sẽ không có lịch trình cố định, mà tất cả tùy thuộc vào tiến triển của nền kinh tế.
Trong chương trình QE hiện nay, mỗi tháng FED mua vào 45 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD giấy tờ thế chấp để giữ lãi suất ở mức gần 0%. FED duy trì mức lãi suất này từ năm 2008 và cam kết không tăng nếu tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 6,5% và lạm phát cao hơn 2,5%.
Trước đó, hồi tháng 5 và 6/2013, ông Bernanke từng nói rằng FED sẽ giảm dần chương trình QE trong tháng 9 và dự định ngừng hẳn vào giữa năm 2014. Với nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế, họ đinh ninh rằng cuộc họp lần này của FED sẽ chỉ quyết định giảm bao nhiêu, chứ không phải là có giảm hay không. Phần lớn dự đoán FED sẽ giảm từ 5 đến 25 tỷ USD mỗi tháng.
Theo các nhà phân tích, FED giữ nguyên QE vì sợ lãi suất trên thị trường tăng mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từ đó, nó có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm, cản trở kinh tế Mỹ phục hồi.
Các thị trường thăng hoa
Sau quyết định của FED, các TTCK thế giới, từ London đến Tokyo, từ Istanbul đến Jakarta, đồng loạt tăng điểm mạnh trong phiên 19/9, do sự phấn khích của giới đầu tư.
Tại châu Á, các thị trường đang phát triển “thăng hoa” với chỉ số chứng khoán Philippines tăng 2,81%, Indonesia tăng 5,05%, Thái Lan tăng 3,66%. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hong Kong, Australia tăng ở mức hơn 1%.
Trên thị trường châu Âu chiều 19/9, các chỉ số chủ chốt cũng tăng điểm khá: Chỉ số FTSEurofirst 300 tăng hơn 1%, chỉ số DAX 30 của Đức tăng 0,96%; CAC 40 của Pháp tăng 0,78% lên mức cao nhất 5 năm qua.
Phiên trước đó, chứng khoán Mỹ đã hoan nghênh quyết định của FED khi ba chỉ số Dow Jones tăng 0,95% lên 15.676,94 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,22% lên mức 1.725,52 điểm, chỉ số công nghiệp Nasdaq tăng 1,01% lên 3.783,64 điểm. Cả ba chỉ số này đều biến động ở mức thấp trước khi FED ra quyết định về QE và đều đồng loạt ghi điểm, thiết lập các đỉnh cao kỷ lục mới. Lúc mở cửa thị trường Mỹ ngày 19/9, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ, trong khi hai chỉ số còn lại tiếp tục tăng.
Trên thị trường vàng, giá vàng Hong Kong tăng tới 57,41 USD/ounce, lên 1.370,15 USD/ounce (tương đương 34,6 triệu đồng/lượng).
Tương tự, thị trường dầu mỏ thế giới cũng “bùng nổ”. Tại Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 tăng 62 xu, lên 108,69 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 11 tăng 30 xu lên 110,9 USD/thùng.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN