Đồng chí Lê Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 630/KH-UBND triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả năm. Kế hoạch này được các sở, ngành, địa phương triển khai quán triệt đến từng đơn vị trực thuộc, cán bộ công chức; tùy theo nhiệm vụ được phân công có giải pháp thực hiện cụ thể.
Công nhân kỹ thuật Công ty CP Bia Sài Gòn - Ninh Thuận kiểm tra
sản phẩm bia lon trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Nhiều sở, ngành, địa phương đã thành lập Tổ thực hiện Nghị quyết 02; nhiều hội nghị chuyên đề của tỉnh, ngành được tổ chức nhằm đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đi cơ sở để trực tiếp kiểm tra tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, qua đó động viên, nắm bắt những vướng mắc của doanh nghiệp đang gặp, kịp thời chỉ đạo cơ quan quản lý giải quyết. Có thể thấy, thời gian qua ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, vì vậy UBND tỉnh tập trung nhiều giải pháp để gỡ khó cho lĩnh vực này. Chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải ngân các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản, triển khai giao kế hoạch và phân bổ các nguồn vốn ngay từ đầu năm; bố trí vốn tập trung hơn, hạn chế các công trình khởi công mới. Tính đến cuối tháng 8, giải ngân các nguồn vốn trong tỉnh là 1.380 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch đầu năm. Đây là tỷ lệ giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn của Nhà nước đạt cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây ở tỉnh ta. Cùng với đó tỉnh ưu tiên vốn thanh toán công trình hoàn thành để tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Theo số liệu tổng hợp, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản đến cuối năm 2012 của tỉnh ta trên 541,4 tỷ đồng. Theo kế hoạch trong năm nay tỉnh bố trí vốn thanh toán các công trình hoàn thành và trả nợ vay đến hạn là 284,422 tỷ đồng, chiếm 52% tổng số nợ xây dựng cơ bản; đến cuối tháng 8, đã giải ngân đạt 96%. Với sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh cũng đã được tạm ứng vốn kế hoạch đầu tư năm 2014 để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm như: Đường ven biển, các công trình thuộc dự án ODA, các công trình thuộc nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ… Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã có chủ trương ưu tiên mua xi măng của các doanh nghiệp trong tỉnh để hỗ trợ trực tiếp cho các xã xây dựng giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng, góp phần giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Tính đến nay, tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trên 2.143 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay ngân hàng để doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với ngành Thuế, trong 8 tháng qua đã gia hạn thuế cho 1.033 lượt doanh nghiệp với số tiền là 27,3 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp 2,6 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 24,7 tỷ đồng. Đặc biệt đã hoàn 99,87 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp (những doanh nghiệp được hoàn thuế cao như: Nhà máy bia Sài Gòn-Ninh Thuận 39 tỷ đồng, Công ty Phú Thủy 9 tỷ đồng) vì vậy đã giúp doanh nghiệp bổ sung vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Đến nay, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 3.091 món vay, với dư nợ 1.072 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hợp đồng tín dụng lĩnh vực ưu tiên đã giải ngân xuống mức cho vay hiện hành 25.243 món vay, với dư nợ 2.469 tỷ đồng và xem xét miễn giảm lãi vay 355 món, với dư nợ 3,57 tỷ đồng.
Với việc tập trung chỉ đạo triển khai nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của các cấp, các ngành trong tỉnh đã giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh giảm bớt khó khăn tiếp tục sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Mặc dù hiện nay, tình hình kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng nhìn chung sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy cùng với UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc phát huy nội lực, tiếp tục tái cơ cấu kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2013.
Thu Thủy