Gas và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đã trở thành nhiên liệu của nhiều hoạt động sản xuất, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu. Quản lý kinh doanh và tiêu thụ gas/LPG ngày càng rộng và theo đó cũng ngày càng trở nên phức tạp.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngoài nguồn cung cấp gas/LPG trong nước vào khoảng hơn 617.000 tấn, tính riêng trong năm 2012, nguồn LPG nhập khẩu là 625.669 tấn (giá trị đạt trên 580,3 triệu USD).
“Kinh doanh gas/LPG hiện nay không thuộc lĩnh vực độc quyền. Tỷ lệ tiêu thụ tại các cơ sở công nghiệp và giao thông vận tải chiếm khoảng 35%, cơ sở thương mại, dịch vụ và hộ tiêu thụ dân dụng chiếm khoảng 65%. Chính bởi lẽ mặt hàng này không kinh doanh độc quyền nên đã dẫn tới thị trường cạnh tranh khốc liệt”, ông An cho biết.
Một vụ sang chiết gas trái phép bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: KT
Trên thực tế dù không cạnh tranh bằng giá đầu vào nhưng giá bán gas thời gian qua giảm ít. Trong năm 2012, giá LPG bán lẻ được điều chỉnh tăng 8 lần nhưng chỉ giảm 6 lần. Đồng thời có 3 lần điều chỉnh tăng giảm thuế nhập khẩu LPG, hiện tại, mức thuế nhập khẩu đã được tăng từ 0% lên 5% nhưng lợi nhuận kinh doanh gas rất thấp, chỉ khoảng 0,5% doanh thu.
Ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Gas miền Bắc cho rằng, gas là một trong 14 mặt hàng bình ổn, tuân thủ kê khai giá (theo cơ cấu giá) và đăng ký giá với tất cả các Sở Công thương, Bộ Tài chính hàng tháng và trước khi thay đổi giá.
“Các doanh nghiệp gas (doanh nghiệp đầu mối) không được phép tăng giảm giá tùy ý. Thêm nữa do tính chất cạnh tranh khốc liệt theo giá thị trường nên doanh nghiệp gas hiện nay thường xuyên phải tìm cách giảm giá để bán hàng. Tồn kho giảm giá phải tự gánh chịu nên lãi rất thấp.
Tăng hiệu nghiệm của Nghị định 107?
Sau gần 4 năm thực hiện, Nghị định 107/2009/NĐ-CP đã đóng góp tích cực vào thị trường kinh doanh gas/LPG. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, quản lý thị trường đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình LPG, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết gas trái phép.
Dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp gây tác hại nhiều mặt: Về kinh tế người tiêu dùng bị thiệt thòi, không dùng gas đúng chất lượng; doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại, nhà nước thất thu thuế; Đặc biệt gây mất an toàn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Ngay cả đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam, ông Trần Trọng Hữu cũng thừa nhận, hiện nay có quá nhiều thương nhân kinh doanh gas. Mặc dù gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng việc đăng ký kinh doanh quá dễ dàng đã làm nảy sinh nhiều gian lận thương mại, ảnh hưởng đến các thương hiệu có uy tín và quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, cần có các biện pháp siết chặt việc cấp phép kinh doanh gas và quản lý, xử lý mạnh tay các vi phạm trong kinh doanh gas/LPG.
Còn ông Nguyễn Lộc An lại cho rằng, thương nhân phân phối LPG cấp I chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ đã tác động đến sự biến động của thị trường LPG trong nước như. Ngoài ra, việc xây mới và cấp phép các trạm chiết nạp LPG chủ yếu là các trạm của các doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập chưa thực sự chặt chẽ, tình hình san chiết nạp LPG vi phạm các quy định về san chiết trở nên phổ biến.
Có xem nhẹ quyền lợi người tiêu dùng?
Để việc kinh doanh gas/LPG minh bạch, an toàn... theo ông Đỗ Thanh Lam, hơn lúc nào hết lực luợng quản lý thị trường vẫn phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh gas/LPG, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, các vụ việc có dấu hiệu hình sự. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, hướng dẫn tuyên truyền về quản lý kinh doanh, sử dụng gas.
“Cần đồng bộ thực hiện quyết liệt các giải pháp; rà soát, sửa đổi bổ sung khung pháp lý; phối hợp các lực lượng chức năng… Bên cạnh đó, các địa phương ra quân quyết liệt cũng sẽ hạn chế được vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này”, ông Lam nhấn mạnh.
Trên thực tế, quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo hay không lại nằm ở vấn đề gian lận thương mại, làm ăn không chân chính, không có kiểm tra, kiểm soát, sang chiết gas thiếu cân, bình gas có nguy cơ tiềm ẩn không an toàn.
Ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có nhiều điều chỉnh trong xây dựng quy hoạch hệ thống kinh doanh gas, có biện pháp siết chặt việc cấp phép kinh doanh cho các cửa hàng kinh doanh gas là điều cần thiết.
“Hiệp hội Gas cam kết phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cụ thể là Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường để có những ý kiến cụ thể làm sao để có quyết định kiểm soát thị trường gas một cách tốt nhất và lành mạnh”, ông Hữu nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ quan điểm: Nhãn hàng hóa dán trên bình gas phải được đề giá một cách minh bạch. Nên có những biện pháp can thiệp sát sao của cơ quan chức năng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát, loại bỏ tình trạng sang chiết, rút ruột gas, gas kém an toàn… ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người tiêu dùng.
Nguồn VOV.VN