Đồng chí Lê Văn Phong, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh, cho biết: CVĐ ở phạm vi rộng, thực hiện qua nhiều năm, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, chứng tỏ đây là chủ trương hợp lòng dân. Việc thực hiện CVĐ có sự linh hoạt, nhiều địa phương, khu dân cư có cách làm sáng tạo, cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn, đạt được nhiều thành tích. Trong 5 nội dung của CVĐ, kết quả đạt được nỗi bật nhất là ở lĩnh vực Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị mới. CVĐ đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ướng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân ở các khu dân cư. Truyền thống nhân nghĩa “tình làng nghĩa xóm” được gắn bó thông qua việc giúp nhau phát triển sản xuất, với nhiều hình thức, như: xoay vòng vốn phát triển kinh tế; giúp nhau ngày công lao động; giống cây trồng, vật nuôi. Phong trào giúp nhau trong cuộc sống đã khuyến khích, động viên nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải.
Ảnh: Thanh Long
CVĐ cũng đã huy động nguồn lực, sức mạnh của toàn xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo xóa nhà tạm bợ, dột nát. Từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được hơn 72,8 tỷ đồng xây dựng 9.705 căn nhà Đại đoàn kết và hơn 67 tỷ đồng xây dựng 9.000 căn nhà Tình nghĩa và hàng trăm triệu đồng giúp đỡ bà con ở những nơi có thiên tai. Đồng chí Lê Văn Phong, nhìn nhận: “Kết quả trên không những làm sâu sắc thêm “tình làng nghĩa xóm”, tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, mà còn góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 đến 3%/năm, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên”.
Kể từ năm 2011, thực hiện Thông tri số 17/TT-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN về hướng dẫn tiếp tục nâng cao chất lượng CVĐ trong giai đoạn mới, CVĐ đã hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp tổ chức phát động phong trào, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới tại các xã Phước Thái (Ninh Phước), Xuân Hải (Ninh Hải), Nhơn Sơn (Ninh Sơn).... Với phương châm “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân”, bà con đã hiến đất, đóng góp kinh phí, công sức lao động, tổng giá trị bình quân mỗi năm gần 1,7 tỷ đồng để tu sửa, bê-tông đường thôn xóm, đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương.
Nghệ nhân Raglai huyện Ninh Phước tái hiện lễ hội sinh hoạt cộng đồng
tại Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai - Ninh Thuận 2013. Ảnh: Văn Miên
Từ CVĐ của Mặt trận, và sự vào cuộc của đoàn thể các cấp, việc tổ chức ma chay, cưới xin và lễ hội có nhiều tiến bộ, xóa được các hủ tục, giảm bớt những tốn kém. Phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được giữ gìn và phát huy bản sắc. Thể hiện rõ là hằng năm các ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức các ngày hội, liên hoan, hội thi văn hóa các dân tộc. Đơn cử như cuối tháng 8 vừa qua tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai - Ninh Thuận 2013. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ trong ngày hội góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số. Hằng năm, Mặt trận các cấp điều coi trọng việc triển khai phát động, bình xét và tổ chức biểu dương, khen thưởng những tấm gương “Ông, bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, do vậy phong trào diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong từng gia đình ở khu dân cư. Kết quả bình xét gia đình văn hóa tăng dần qua từng năm: năm 2000 đạt 51% đến năm 2012 đạt 82,6%. Đến nay, có 179 thôn, khu phố được công nhận Thôn, khu phố văn hóa, đạt 44,5%; 9 phường, xã được công nhân Phường, xã văn hóa, đạt 13,84%.
Cùng với đó, CVĐ cũng đã tạo tiền đề và điều kiện cho việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân bằng hình thức tự quản ở khu dân cư, phổ biến là việc xây dựng và cam kết thực hiện hương ước, quy ước. Qua đó, từng người dân, từng hộ gia đình đã dần hình thành thói quen tự giác tham gia các công việc của cộng đồng, như phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục và phong trào Xây dựng cả tỉnh thành xã hội học tập, các hoạt động khuyến học, khuyến tài được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm lồng ghép vào nội dung CVĐ. Tiêu biểu nhất là mô hình dòng họ khuyến học trong đồng bào Chăm; mô hình lớp học bán trú dân nuôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn được đến trường.
Nhìn lại 15 thực hiện để thấy CVĐ ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống của người dân ở cộng đồng khu dân cư, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, củng cố mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh.
Anh Tùng