Theo Thông tư 197 của Bộ Tài chính và Nghị định 18 của Chính phủ, phương tiện ôtô, xe máy phải đóng phí sử dụng đường bộ từ ngày 1-1-2013. Việc thu phí xe máy đang lưu thông trên địa bàn được giao cho chính quyền phường, xã đảm nhiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 16-9 (hơn 20 ngày sau khi quyết định thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy của UBND tỉnh có hiệu lực), tại các phường, xã trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa triển khai thực hiện.
Do chưa được hướng dẫn cụ thể nên các địa phương chưa tiến hành thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.
Tại huyện Ninh Hải, các địa phương sau khi nhận được Quyết định của UBND tỉnh cũng chỉ mới thực hiện việc thông báo chủ trương xuống cơ sở, mà chưa tiến hành thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn. Nhiều địa phương vẫn chờ hướng dẫn thu phí cụ thể từ các cấp thì mới tính đến phương án thu. Nhiều xã chưa có biên lai thu phí cũng như chưa lập được danh sách, kê khai số lượng xe trên địa bàn.
Đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: Hiện nay huyện cũng đã gửi các văn bản chỉ đạo và nhắc nhở các địa phương triển khai thực hiện, nhưng nhiều địa phương lúng túng chưa biết thực hiện như thế nào. Sắp tới huyện sẽ tổ chức họp cùng với lãnh đạo các địa phương và phòng chức năng để có sự thống nhất chung; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận trên cơ sở thống kê, khảo sát đầy đủ số lượng phương tiện, mở tài khoản để quản lý quỹ cho chặt chẽ. Mặc dù văn bản chỉ đạo của tỉnh cũng khá rõ đối với trách nhiệm từng bộ phận, nhưng bước đầu phải có thời gian để triển khai, chứ chưa thể thu ngay được.
Tương tự, huyện Ninh Phước cũng chỉ mới triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh xuống UBND các xã. Phòng Tài chính và Chi cục Thuế huyện cũng đã gửi biểu mẫu về cho các địa phương để tổ chức kê khai theo tinh thần chỉ đạo chung, còn lại vẫn chưa có địa phương nào tổ chức thu phí.
Điều 33, Nghị định 71/2012 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định: Phạt từ 800.000-1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy không nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để việc thực hiện thu phí đồng bộ và thống nhất cao đối với các địa phương, UBND tỉnh cần chỉ đạo đơn vị tham mưu, tổ chức hội nghị để hướng dẫn cho các địa phương. Đây là nội dung mới, liên quan đến quyền lợi cụ thể của người dân nên cần hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ thêm. Mặt khác, cần sớm mở tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và hướng dẫn quản lý nguồn thu để các địa phương quản lý, sử dụng quỹ cho hiệu quả.
Theo phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở Giao thông vận tải, hiện toàn tỉnh có trên 260 ngàn mô tô, xe máy đang lưu hành; việc quản lý và cấp giấy phép đăng ký loại phương tiện này đã phân cấp cho các huyện, thành phố nên việc rà soát kê khai, lên danh sách số lượng sẽ không gặp nhiều khó khăn. Ngành Thuế cũng đã in biên lai thu phí để cung cấp cho các địa phương.
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở GTVT) cho rằng: Quyết định về quy định mức thu cũng như Thông tư của Bộ Tài chính đã hướng dẫn khá rõ trách nhiệm thẩm quyền của từng bộ phận, nên các địa phương cần nghiên cứu để theo đó mà thực hiện. Quá trình triển khai, gặp khó khăn thì phản hồi, kiến nghị về Sở Giao thông vận tải để có hướng tháo gỡ.
Theo quy định, việc đóng phí là trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu phương tiện cũng như người sử dụng, quản lý phương tiện. Mức thu phí đối với xe có dung tích xi lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/năm, xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 là 110.000 đồng/năm và xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh là 2.160.000 đồng/năm. Đối với các phường, thị trấn được để lại 10% số phí, các xã được để lại 20% số phí thu được trên địa bàn để trang trải chi phí tổ chức thu. Số còn lại, phải nộp vào tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ địa phương để sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương. Bất kỳ phương tiện nào nếu chưa đóng phí sử dụng đường bộ thì vẫn bị truy thu từ ngày 1-1-2013 sau khi phát hiện chưa nộp. Do đó, mọi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, chấp hành việc đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Mặt khác, các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, có hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể hơn để cơ sở thực hiện có hiệu quả, kịp thời và đúng quy định.
Ngũ Anh Tuấn