Nan giải bài toán vệ sinh môi trường ở cảng cá Cà Ná

(NTO) Khi mùa cá Nam bắt đầu vào vụ, gió đổi hướng, cũng là thời điểm rác từ biển theo sóng dạt vào dọc bờ kè và cảng cá Cà Ná, thuộc 2 xã Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam).

Được xây dựng từ năm 2009, hơn 3 km bờ kè bê-tông không chỉ có tác dụng chắn sóng, chống sạt lở, tạo thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu mà còn cải thiện cảnh quan, điều kiện sinh hoạt của người dân địa phương. Tuy nhiên, lượng rác thải ứ đọng quá nhiều gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

 
Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC65, Công an tỉnh thu gom rác thải khu vực cổng vào xã Phước Diê
m trong đợt hành quân dã ngoại của đơn vị.

Theo anh Võ Văn Đông, một hộ dân thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, trước đây, khi chưa có bờ kè thì rác cũng đã tập trung ở đây rồi, cứ vào mùa gió Nam, rác theo sóng tấp vào thôi. Chủ yếu là rác thải từ các tàu thuyền hoạt động ngoài biển, một số ít là do bà con địa phương thiếu ý thức vứt rác bừa bãi xuống biển hoặc kênh mương, theo dòng chảy ra biển. Không chỉ riêng bờ kè bị rác “tấn công” mà dọc con mương dẫn ra cảng, đoạn qua cổng chào xã Phước Diêm, rác cũng tấp đầy, có thời điểm còn làm tắc dòng chảy của các cống thoát, bốc mùi khó chịu.

Đồng chí Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm cho biết: Địa phương thường xuyên phát động đoàn viên, thanh niên thu gom rác thải trong khu dân cư và dọc bờ kè. Tuy nhiên, do lượng rác ứ đọng quá nhiều, nên sau khi thu gom chừng vài ba ngày thì đâu lại hoàn đấy. Mặt khác, ý thức của bà con về vệ sinh môi trường chuyển biến chậm, nên hiện tượng vứt rác bừa bãi xuống mương, biển,… vẫn còn.

Từ đầu năm 2005, HTX Dịch vụ tổng hợp Cà Ná đã triển khai hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 2 xã, nhờ vậy, vấn đề vệ sinh môi trường trong khu dân cư được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, trong tổng số hơn 4.000 hộ dân của 2 xã, chỉ có khoảng 1.300 hộ tham gia dịch vụ thu gom rác thải này, với mức phí 10.000 đồng/hộ/tháng. Ông Phan Hồng Quang, Chủ nhiệm HTX cho biết: Những năm gần đây, đơn vị luôn trong tình trạng thua lỗ do số hộ tham gia dịch vụ ít trong khi lượng rác thải và chi phí cho các khoản xăng dầu, nhân công đều tăng. Riêng trong năm 2012, đơn vị đã lỗ gần 150 triệu đồng. Nếu tất cả các hộ dân đều tham gia dịch vụ, đơn vị phải đầu tư mua thêm xe tải, thuê thêm nhân công, cũng không tránh được thâm hụt trong kinh doanh. Tuy vậy, đơn vị vẫn tăng cường vận động các hộ dân tham gia dịch vụ nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. “Chúng tôi có đề nghị với UBND xã có biện pháp mạnh hơn. Nếu các hộ dân không tham gia dịch vụ thì phải chứng minh được hướng xử lý rác thải của họ không ảnh hưởng đến môi trường, và cần có chế tài phù hợp”- ông Quang bức xúc.

Trong khi nhận thức của một bộ phận người dân trên địa bàn về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn hạn chế thì nỗ lực giữ vệ sinh trên biển của Ban quản lý Cảng cá Cà Ná cũng gian nan không kém. Vào những lúc cao điểm, có trên dưới 200 tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Cà Ná. Mọi rác thải sinh hoạt và các ngư cụ hư hỏng trên các tàu thuyền này đều được “về với biển” và dạt vào bờ kè cảng. Một nhân viên của Ban quản lý ngán ngẩm cho biết: Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền trên loa, hệ thống truyền thanh địa phương, chúng tôi còn mua bao tải phát cho từng tàu thuyền, yêu cầu họ gom rác sinh hoạt rồi mang lên cảng, anh em nhân viên Ban quản lý sẽ thu dọn. Tuy nhiên, các bao tải này “một đi không trở lại”. Đơn vị cũng phát nhiều sọt rác cho các hộ dân và hộ kinh doanh dịch vụ trên cảng để thu gom rác thải hằng ngày, nhưng rồi anh em vẫn phải trang bị vợt, cào để vớt rác dọc cảng biển. Không ít lần chúng tôi vận động các bạn đoàn viên, thanh niên của 2 xã cùng thu gom rác thải, nhằm tác động đến ý thức của bà con cũng như các thuyền viên. Tuy nhiên, không những không cải thiện được nhận thức mà một số người còn ỷ lại, vô tư xả rác.

Rõ ràng, một khi chuyển biến trong nhận thức của người dân hạn chế thì mọi giải pháp xử lý rác thải đơn thuần đều không mang lại hiệu quả lâu dài. Trong khi kinh tế địa phương của 2 xã vùng biển này đã có nhiều bước tiến vượt bậc, việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường phải được xác định là nội dung quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, với mục tiêu lâu dài là bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của con người. Bài toán tuy khó nhưng nếu có sự đồng lòng, chung sức, sự quyết tâm và kiên trì của cả hệ thống chính trị cơ sở và các đơn vị trên địa bàn, chắc chắn sẽ có lời giải.