Tiếp công dân là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị

Sáng 16/9, thảo luận về Dự án Luật Tiếp công dân, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn gây nhiều tranh cãi của dự Luật như: Về trách nhiệm của người đứng đầu, trụ sở tiếp công dân…

 

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, hoạt động tiếp công dân cần được đặt trong mối liên hệ với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiền đề cho quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý để thể hiện rõ hơn quan điểm này. Cụ thể, dự thảo Luật đã khẳng định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các bộ, cơ quan ngang bộ, cục, tổng cục, UBND các cấp, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện – là các cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Dự thảo Luật cũng dành một chương riêng quy định về việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức công tác tiếp công dân tại cơ quan, bố trí người, địa điểm tiếp công dân thường xuyên, trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đồng tình, trụ sở tiếp công dân không phải nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng theo ông, đây phải là nơi đôn đốc các thành viên Chính phủ, Quốc hội giải quyết và thông báo kết quả cho nhân dân để nhân dân không phải đi lòng vòng, đơn thư không phải từ trên chuyển xuống dưới, dưới chuyển lên trên.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn, các trụ sở tiếp công dân có kết nối thông tin với nhau không? Theo bà, nếu không có sự kết nối thì không hợp lý, bởi trong nhiều trường hợp, người dân đi khiếu nại, tố cáo mấy trụ sở liền. “Cần phải nghiên cứu để có sự kết nối, chia sẻ thông tin, thậm chí phối hợp giữa các trụ sở. Nếu không làm rõ được vấn đề này thì không giải quyết được vấn đề đơn thư trùng lắp” - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho rằng, phải quy định rõ: “Khi công dân có yêu cầu thì đại biểu Quốc hội phải tiếp công dân.”

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại đề nghị cân nhắc, quy định thêm khi nào cần thiết, khi nào có thể từ chối không tiếp công dân.

Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét, trong dự thảo Luật, trách nhiệm của người đứng đầu còn nhẹ. Theo ông, cần nói rõ, nếu người đứng đầu không tiếp lần thứ hai, lần thứ ba, cố tình né tránh không tiếp dân thì trách nhiệm đến đâu, xử lý thế nào?

Nhấn mạnh thực tế người dân cứ gửi đơn rồi chờ, đi lại năm lần bảy lượt rất khổ mà đơn thư lại không có “hồi kết”, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả thì cách làm "một cửa" là hiệu quả nhất, tức nơi tiếp công dân phải có trách nhiệm bám sát đến cùng đơn thư của nhân dân.

Nghiên cứu kỹ dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, Luật có quy mô quá lớn, có trụ sở từ Trung ương, tỉnh, huyện và các nơi khác, lại có cả con dấu. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là tính khả thi của dự án Luật.

“Làm nhiều trụ sở như thế, nhưng dân ít đến. Chỉ quy định tiếp nhận đơn thư, rồi cân nhắc chuyển đơn chứ không giải quyết. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến người dân ít vào những nơi tiếp dân” – Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn thẳng thắn.

Một điểm nữa được ông Huỳnh Ngọc Sơn chỉ ra là, dự án Luật mới điều chỉnh một bên là bên tiếp chứ bên được tiếp thì không đề cập gì cả. Theo ông, nên có một phần quy định thái độ của người được tiếp, chứ nếu Luật không cấm thì trong thực tế, cũng sẽ có xảy ra trường hợp người được tiếp cứ mạt sát người tiếp hoặc gây sức ép.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật mà cử tri, nhân dân rất quan tâm. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để có đạo luật xử lý được những bất cập trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam