Theo kế hoạch, 6 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn năm nay ở tỉnh ta sẽ được tổ chức lần lượt tại các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc và Thuận Nam, trong thời gian từ ngày 29 -8 đến 16- 10- 2013. Yêu cầu các sản phẩm bày bán phải là hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, được bán với giá thấp hơn hoặc bằng với thị trường cùng thời điểm. Đây là một trong những nội dung của Đề án Xúc tiến thương mại nông thôn năm 2013 của Sở Công Thương được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt về Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 (đợt 1).
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại Thuận Bắc.
Ngày 29-8, Phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu tiên được tổ chức tại huyện miền núi Bác Ái cùng với sự kiện Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai-Ninh Thuận 2013 được tổ chức tại huyện, là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh quảng bá sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, là dịp để bà con đồng bào miền núi tiếp cận với hàng hóa Việt phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, giá cả hợp lý, bên cạnh việc hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại của nhà sản xuất, phiên chợ có 40 gian hàng, trong đó 9 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Bác Ái được nhiều người quan tâm như gùi nỏ, ná, đàn chapi…; các gian hàng ẩm thực truyền thống của người Raglai như cơm lam, các loại bánh trái, các món nướng…phiên chợ đã thu hút được hơn 20.000 lượt khách tham quan mua sắm, với tổng doanh thu 300 triệu đồng. Chị Pi-năng Thị Hiếu, ở xã Phước Đại cho biết, phiên chợ tổ chức đúng vào dịp lễ hội, có nhiều mặt hàng chất lượng tốt, giá có giảm nên tôi đến mua... Rất ít khi có phiên chợ tổ chức lớn mà về tận thôn để được dịp mua sắm dễ dàng như thế này, bà con mình vui mừng lắm.
Bước sang phiên chợ thứ hai được tổ chức tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc) và mới nhất là phiên chợ tại xã Xuân Hải (Ninh Hải), với quy mô 20 gian hàng của 9 doanh nghiệp. Ngay từ chiều, đã có rất đông bà con đến phiên chợ để tham quan, mua sắm và đón xem chương trình ca nhạc trong đêm khai mạc. Tham gia xuyên suốt chương trình phiên chợ Hàng Việt về nông thôn lần này không chỉ có các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, với nhiều mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm mua sắm, điều đó cho thấy việc giao lưu mua bán hàng hóa giữa tỉnh nhà và các tỉnh bạn đang được các doanh nghiệp triển khai khá tốt. Anh Trương Tiến Hưng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trương Tiến Hưng (Đồng Nai), cho biết: Tham dự chương trình lần này chúng tôi có 100 mặt hàng trong nước sản xuất, chủ yếu là đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, với chương trình giảm giá 25% cho tất cả các sản phẩm. Nhìn chung bà con tham gia phiên chợ rất đông, mặc dù doanh số chưa được cao nhưng chúng tôi rất vui vì đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá sản phẩm và tìm nhà phân phối tại các địa phương. Đặc biệt trong phiên chợ Bác Ái, chúng tôi thật sự ấn tượng và nhận thấy sự quan tâm của bà con miền núi đối với hàng Việt mình là rất lớn.
Theo quan sát của chúng tôi, những mặt hàng được giới thiệu và bày bán tại ba phiên chợ hàng Việt trên đều là sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, có xuất xứ rõ ràng, giá cả, khuyến mãi được niêm yết trên mỗi sản phẩm để bà con dễ dàng lựa chọn, như hãng: Thy Thy, Trung Nguyên, Tường An...Vì thế đã tạo tâm lý yên tâm trong mua sắm và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu một số đơn vị, doanh nghiệp tham gia gian hàng tại các phiên chợ, chúng tôi nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp đều không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà điều quan trọng là tìm kiếm thị trường.
Là đơn vị thực hiện nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn nhiều nhất trong tỉnh, Anh Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay đơn vị đã thực hiện được 17 chuyến hàng lưu động về phục vụ bà con ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Lý do, để đơn vị tham gia phiên chợ lần này không phải là doanh số mà điều quan trọng là nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn. Còn với người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Riêng phiên chợ lần này, đơn vị triển khai chương trình giảm giá đến 49% ở 100 mặt hàng, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng khuyến mãi đang thực hiện tại siêu thị để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.
Phiên chợ hàng Việt về Thuận Bắc đã khép lại với số lượng người dân tham quan, mua sắm lên đến 10.000 người và doanh thu đạt 100 triệu đồng. Theo các doanh nghiệp cũng như đơn vị tổ chức thì mặc dù doanh thu chưa cao nhưng điều cần quan tâm là có nhiều người dân vùng nông thôn khi tham quan, mua sắm tại phiên chợ hàng Việt đã có thông tin đầy đủ về những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất và ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Đó là những tín hiệu tốt để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài việc bán hàng trực tiếp, các Phiên chợ còn đem đến cho địa phương những hoạt động sôi nổi khác, đặc biệt Ban tổ chức đã tặng 150 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương tổ chức phiên chợ.
Đánh giá về 3 phiên chợ vừa qua, ông Võ Viết Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Thành công của chương trình là đã giúp người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, với giá cả phù hợp, từ đó tạo tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt trong cộng đồng. Qua các phiên chợ, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt, đặc biệt người dân nông thôn, để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường này.
Hàn Dạ Nguyệt