Ông Đàng Năng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Ninh, cho biết: Mô hình THTQ về ANTT trong cộng đồng người Chăm chính thức thành lập từ năm 2011. Tính đến nay, toàn xã có 15 tộc họ, trong đó xây dựng được 4 mô hình THTQ về ANTT. Điều thuận lợi là các tộc họ đều có ban lãnh đạo và có quy ước riêng của tộc họ; phong trào Đạo làm con và khuyến học, khuyến tài đã hình thành sẵn. Tuy nhiên, khi xây dựng mô hình THTQ về ANTT lại gặp một số vướng mắc về kiến thức pháp luật… Điển hình như tộc họ Blang Praong áp dụng mô hình THTQ đầu tiên, gặp khó khăn ở nhân sự tộc họ, kiến thức về pháp luật… Trước khó khăn trên, chính quyền địa phương đã trực tiếp đến động viên giúp đỡ, hỗ trợ về mặt kiến thức pháp luật nên tộc họ này đã xây dựng mô hình THTQ với 18 hộ/ 85 thành viên.
Con em đồng bào Chăm xã Phước Ninh học tập chăm ngoan tại Trường THCS Võ Văn Kiệt.
Ảnh: Sơn Ngọc
Từ đầu năm 2012 đến nay, 4 mô hình THTQ về ANTT đã nhận 25 cháu ngoài tộc họ có hành vi vi phạm luật (VPPL) để quản lý giáo dục, có 23 cháu tiến bộ. Ban phong tục và Trưởng tộc đã vận động con em không theo đạo trái phép; tổ chức hòa giải thành tất cả 45 vụ mâu thuẫn trong nội bộ tộc họ; phối hợp giải quyết 12 vụ đánh nhau gây rối trật tự; 18 vụ tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân. Ông Đàng Năng Sĩ, Trưởng THTQ Blang Praong, chia sẻ: Để xây dựng mô hình này, ban lãnh đạo tộc họ phải tạo được lòng tin trong tộc họ, hòa đồng, luôn lắng nghe các ý kiến thành viên. Ban an ninh tự quản của tộc họ có từ 3 đến 5 người, 4 tháng họp 1 lần với các nội dung nêu gương tốt trong xã hội, đồng thời tuyên truyền nhắc nhở mọi người trong tộc họ chấp hành pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, quy ước của tộc họ, hòa giải mâu thuẫn, thắc mắc khi xảy ra, xử lý người trong tộc họ vi phạm quy ước tộc họ hoặc vi phạm ANTT ở địa phương nếu có. Trường hợp có thành viên tộc họ vi phạm thì xử phạt theo 3 quy trình: đưa ra kiểm điểm trước tộc họ, nếu vẫn vi phạm thì đưa ra làng và sau cùng là can thiệp pháp luật Nhà nước (cấp xã trở lên). Từ khi xây dựng mô hình này, các thành viên trong tộc họ đoàn kết giúp đỡ con em trong tộc họ được đến trường gắn với phong trào Đạo làm con và Khuyến học, khuyến tài, chăm sóc giúp đỡ nhau, con cháu nghe lời cha mẹ không vi phạm pháp luật.
Chính nhờ đưa công tác bảo đảm ANTT vào mô hình THTQ trong cộng đồng người Chăm, hầu hết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình, dòng tộc đều được giải quyết, hòa giải kịp thời, từ đó các vụ việc vi phạm pháp luật ngày càng giảm dần. Các vụ việc mâu thuẫn xảy ra giữa các thanh niên, học sinh là dân tộc Kinh - Chăm đều được phát hiện, giải quyết có lý, có tình, được bà con nhiệt tình ủng hộ, đồng thuận, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm về giữ vững ATTT ở địa phương và ngày càng thu hút nhiều tộc họ tham gia như: tộc họ PoKlaong Anưk (2012), tộc họ Bà Yêu 1 (2013) và phấn đấu cuối năm 2013 Phước Ninh có thêm tộc họ Hamu kalaok xây dựng THTQ về ANTT.
Danh Thế Vinh