Chung tay xóa mù chữ trên toàn thế giới

Trong ngày Quốc tế Xóa mù chữ năm nay (8/9), UNESCO kêu gọi các chính phủ cùng chung tay hợp tác để biến giấc mơ cả nhân loại đều biết chữ trở thành hiện thực.

Ảnh minh họa

Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, cho biết tỷ lệ mù chữ trên thế giới đã giảm thiểu một cách đáng kể trong hai thập niên qua nhờ vào nhưng nỗ lực và hành động quốc tế hướng tới các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Hiện nay, 84% dân số thế giới đã biết đọc, biết viết so với tỷ lệ 76% trong năm 1990. Chỉ trong vòng 20 năm, số dân mù chữ đã giảm hơn 100 triệu người.

Tuy nhiên, kết quả nêu trên vẫn là chưa đủ. Đằng sau những con số này vẫn hé mở một sự bất bình đẳng nghiêm trọng. Hai phần ba trong tổng số 774 triệu người lớn mù chữ là phụ nữ.

Hầu hết thanh thiếu niên nhi đồng không được đến trường là các em gái, 57 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học và 69 triệu trẻ em ở độ tuổi THCS không có cơ hội được tới trường.

Và không phải tất cả trẻ em may mắn được đi học đều biết đọc, biết viết. Thậm chí ngay tại các nước có nền kinh tế phát triển, tỉ lệ dân số không biết đọc, biết viết cơ bản vẫn còn rất cao.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để xóa mù chữ. Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2013, đặt mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người có độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2015, xóa mù chữ cho 800.000 người có độ tuổi từ 15-60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 96%.

Đến năm 2020, xóa mù chữ cho 300.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%. Có 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các giải pháp như tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học…

Nguồn Chinhphu.vn