Riêng tôi, kí ức về những ngày tháng đi học đầu đời là một dấu ấn đậm sâu luôn hiện hữu trong tâm hồn. Mỗi khi thấy các em học sinh tung tăng chân sáo, cắp sách đến trường là những ký ức đi học ngày xưa trong tôi liền cựa quậy, sống dậy.
Tuổi thơ đi học của tôi là đầu trần, chân đất, đi bộ trên con đường làng đầy đá sỏi mỗi sáng tới trường. Sách vở thì vô cùng đơn giản: một cuốn vở ghi đủ các môn, mấy cuốn sách giáo khoa cũ mượn của Thư viện. Thế nhưng chẳng đứa nào băn khoăn, nghĩ ngợi gì vì đứa nào cũng thế.
Trường tiểu học của tôi là một dãy nhà ngang được ngăn ra làm nhiều phòng, mái lợp tranh, vách bằng đất, rất mát vào những ngày nắng nóng, ấm áp trong những ngày mưa. Mái trường đơn sơ giản dị ấy giờ đây chỉ còn trong hoài niệm đã lưu dấu biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui, thơ ngây, trong sáng của những ngày tháng đầu đời cắp sách, tới trường.
Ngày ấy, đi học đối với tôi như đi chơi, chỉ mong sao hết buổi là kéo nhau lên đồi chơi đủ trò tinh nghịch. Trên khu đồi ấy có rất nhiều loại cây dại có quả ăn được: nào là ổi, là sim, chà là, trâm… đứa nào cũng tranh ăn rồi nhìn nhau cười vì răng thâm tím, đen xì, mình mẩy lấm lem đến quá trưa mới về đến nhà trong sự trông chờ của ba mẹ. Về nhà, nhẹ thì bị la mắng, nặng thì bị ăn đòn trước khi được ăn cơm. Thế nhưng về nhà đúng giờ được vài hôm rồi sau đó đâu lại vào đấy. Có lẽ ba mẹ cũng bận việc đồng áng nên không có thời gian quan tâm đến chúng tôi nhiều.
Tuổi thơ của tôi gắn với những buổi trưa dang nắng trên đồi, những buổi chiều tối chạy xem Tivi ở nhà hàng xóm. Chiếc Tivi trắng đen, màn hình to bằng quyển vở có sức hút kì lạ đối với lũ trẻ chúng tôi. Tôi mê phim hoạt hình hơn là sách vở. Lời thầy cô giáo giảng cứ như gió thoảng mây bay. Có lẽ tôi sẽ vẫn là cậu bé chẳng tha thiết gì đến sách vở nếu không có một ngày vô cùng quan trọng xảy ra trong đời – ngày tôi nhận 2 điểm ở môn Tập làm văn.
Tôi thích học Toán hơn vì cộng trừ nhân chia cho nhanh để còn được đi chơi chứ môn Tập làm văn phải viết rất nhiều chữ. Tôi còn nhớ như in bài văn ấy cô giáo ra đề: cảm nghĩ của em về ngày khai trường. Nhìn đề văn, tôi đâu biết viết gì. Vì với tôi ngày khai trường là được đi chơi mà không phải xin phép ba mẹ, được gặp lại bao nhiêu là bạn bè sau ba tháng nghỉ hè để lên đồi dang nắng, hái sim, chơi trốn tìm, đánh trận giả… nghĩ sao là viết vậy rất hồn nhiên. Cô giáo chấm cho 2 điểm với nhận xét: lạc đề.
Khi kiểm tra bài vở của tôi, ba tôi giận tím tái mặt mày khi phát hiện ra bài văn ấy bởi không chỉ là bài văn điểm kém, lạc đề mà bài văn như một bảng cáo trạng chân thực nhất những trò tinh nghịch của tôi khi đi học. Sau vài lời la mắng là một trận mưa roi của ba quất vào mông tôi đau điếng. Sau khi nói lời xin lỗi và hứa không tái phạm, tôi chạy vụt ra bên ngoài khi trời đang mưa. Nước mưa mát lạnh hòa vào nước mắt của tôi thi nhau chảy xuống miệng âm ấm, mằn mặn.
Từ trận đòn ấy, tôi không còn lên đồi sau mỗi buổi học nữa, chỉ được đi chơi và xem Tivi vào ngày chủ nhật, mà phải đọc cả chồng sách ba tôi xuống tận nhà sách của huyện mua về, nào là: Truyện cổ dân gian, Truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh, Thơ của Trần Đăng Khoa… không chỉ đọc mà còn phải kể lại cho ba nghe những gì đọc được.
Cứ thế, tình yêu văn chương ngày một lớn dần lên trong tôi lúc nào không hay. Đến giờ tôi vẫn còn giữ những cuốn sách của ba mua cho ngày ấy. Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu không có trận đòn năm ấy, có lẽ giờ đây tôi đã khác rất nhiều. Mỗi khi nhìn thấy lũ trẻ chơi đùa dưới mưa tôi miên man nhớ về những ngày thơ bé. Bạn bè thuở ấy giờ mỗi đứa một nơi có ai còn nhớ những trò chơi tinh nghịch trên đồi sim năm nào. Giờ đây, lòng cồn cào nhớ về tháng năm xưa – nhớ về một ngày mưa trọng đại trong đời với bài văn ngày khai trường lỗi nhịp.
Đặng Quang Sơn