Nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông Dân tộc nội trú

(NTO) Hiện nay, tỉnh ta có 4 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với hơn 900 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang theo học. Với nhiều khó khăn đặc thù như: 100% học sinh đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, chất lượng đầu vào thấp… các trường đang phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ nâng cao dân trí, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Những khó khăn chung

Học sinh các trường PTDTNT đều được xét tuyển theo chỉ tiêu phân bổ cho các xã có đồng bào dân tộc thiểu số hoặc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chất lượng đầu vào học sinh không đồng đều cộng với đặc điểm chung là học sinh người dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, khả năng tiếp nhận kiến thức hạn chế… Cũng vì thế nên các em thường rất nhút nhát, thụ động, nhất là thời gian đầu làm quen với cuộc sống xa nhà. Thầy giáo Nguyễn Cứng, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Thuận Bắc cho biết: Hầu như năm học nào trường cũng có học sinh trốn học bỏ về vì nhớ nhà, đặc biệt trong những tuần đầu của năm học, thầy cô giáo phải luôn quan tâm động viên, thậm chí là “canh chừng” các em. Không chỉ riêng học sinh đầu cấp, cuộc sống tự lập, xa gia đình cộng với thiếu ý chí và nhận thức học tập nên nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 vẫn bỏ học giữa chừng hoặc xin chuyển về trường gần nhà. Trong tuần đầu của năm học mới các giáo viên Trường PTDTNT Thuận Bắc, phải tìm đến tận nhà thậm chí là lên rẫy để vận động học sinh ra lớp. Thế nhưng, đến thời điểm này, trường vẫn còn 5 học sinh ở các xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), Phước Kháng (Thuận Bắc) chưa ra lớp.

Giờ học Tiếng Anh của lớp 8B, Trường PTDTNT Ninh Sơn.

Một khó khăn nữa mà các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh ta đang gặp phải là điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho dạy và học còn hạn chế. Ở trường PTDTNT Ninh Sơn, hiện học sinh vẫn đang sử dụng bàn ghế cũ, được trang bị từ lâu nên hư hỏng và không đảm bảo đúng yêu cầu. Trường PTDTNT Pi-năng-tắc (Bác Ái) hiện có 360 học sinh, trong đó có 120 học sinh khối THPT. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường chỉ có 17 máy tính để phục vụ cho việc dạy học môn tin học. Khu nội trú của 196 học sinh Trường PTDTNT Thuận Bắc đã xuống cấp trầm trọng, những ngày mưa phòng ngủ bị dột, các em phải di dời vào phòng học để ngủ tạm…

Giải pháp tháo gỡ

Để giúp học sinh khóa mới nhanh chóng làm quen với môi trường học tập, vơi đi nỗi nhớ nhà, các trường PTDTNT đều tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Ngay sau ngày tựu trường, các trường đã tổ chức cho học sinh khóa mới giao lưu với khóa cũ để các em kết bạn, nhận đồng hương cùng xã, cùng thôn và động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Ngoài giờ học, tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường thường xuyên có các buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn và cũng là cơ hội để các em giới thiệu và gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Một “chiến lược chung” được tất cả các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh cùng thực hiện để nâng cao chất lượng đó là phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Thầy giáo Phan Thanh Tân, giáo viên dạy Tiếng Anh của Trường PTDTNT Ninh Sơn chia sẻ, ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các thầy cô phải thường xuyên nhắc nhở, củng cố kiến thức cho các em trong các buổi tự học; lồng ghép kiến thức vào những trò chơi như: học từ vựng, cấu trúc ngữ pháp qua ô chữ, hình vẽ... Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả khảo sát đầu năm học, các trường tăng cường phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém, chậm tiến bộ, thành lập các tổ, nhóm, đôi bạn học tập để các em giúp đỡ nhau.

Riêng với Trường PTDTNT Pi-năng-tắc, nhà trường rất chú trọng đến việc tạo hứng thú và động cơ học tập cho học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Tường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi giáo viên của trường khi vào lớp với nụ cười và lòng yêu thương. Trong bài giảng, tích cực sử dụng đồ dùng dạy học, đảm bảo giờ học nghiêm túc, chất lượng nhưng không nhồi nhét, gây áp lực cho học sinh.

Với học sinh nội trú, ngôi trường chính là gia đình thứ 2, thầy cô giáo như những người cha, người mẹ không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn cả đạo đức, kỹ năng sống. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh thì quan tâm hỗ trợ kịp thời về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng là động lực để các trường PTDTNT nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.