Sẽ bỏ thông tin về cha mẹ trong CMND
Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) cho biết: Sau khi Bộ Công an thực hiện thí điểm về việc cấp CMND theo mẫu mới tại 4 quận, huyện Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của thành phố Hà Nội từ ngày 21/9/2012 đến nay thì đã có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến nội dung ghi họ tên cha và họ tên mẹ trong CMND.
Ảnh minh họa.
Bộ Công an đã có văn bản số 106/BCA (ngày 12/3/2003) báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ - CP (ngày 3/2/1999) và Nghị định số 170/2007/NĐ - CP (ngày 19/11/2007) của Chính phủ về CMND theo hướng bỏ họ tên cha và họ tên mẹ trong CMND theo quy trình rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội đã soạn thảo xong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, đang xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Bộ Công an hiện đã cấp hơn 70.000 CMND theo mẫu mới. Vì vây, khi có thay đổi này, nhiều ý kiến băn khoăn là những CMND đã được cấp theo mẫu mới thì sẽ giải quyết theo hướng nào khi dự thảo Nghị định cho phép bỏ tên cha, mẹ có hiệu lực? Đối với các trường hợp đã làm thủ tục cấp CMND mẫu mới trước khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Bộ Công an vẫn thực hiện cấp bình thường như trước và vẫn có giá trị pháp lý. Kể cả các CMND cũ chưa đến hạn đổi, đã cấp mới theo mẫu mới đều có giá trị pháp lý.
Đại tá Vũ Xuân Dung cho biết thêm: Hệ thống CMND công nghệ mới có khả năng thu nhận, xử lý vân tay và dấu vết vân tay theo công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, nên khi triển khai cấp, quản lý CMND mẫu mới trên toàn quốc sẽ đáp ứng hiệu quả cho công tác phòng chống tội phạm và các yêu cầu của cơ quan chức năng về truy nguyên đối tượng cả về mặt thời gian và độ chính xác.
CMND cũ vẫn có giá trị pháp lý
Cùng với việc cấp CMND mới, nhiều ý kiến cũng lo ngại, các giao dịch giấy tờ mà công dân đã thực hiện bằng CMND cũ sẽ bị ảnh hưởng về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, mặc dù đã thực hiện cấp CMND theo mẫu mới nhưng CMND cũ chưa hết thời hạn vẫn có giá trị sử dụng để thực hiện các giao dịch hành chính có liên quan đến số CMND cũ.
Từ ngày 21/9/2012, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng thông báo việc tồn tại hai loại giấy CMND và cùng có hiệu lực như nhau. Trong từng lĩnh vực cụ thể, các ngành sẽ có những hướng dẫn riêng.
Khi muốn giao dịch bằng CMND mới, công dân chỉ cần cung cấp CMND mẫu mới để các đơn vị liên quan so sánh, đối chiếu với CMND cũ để giải quyết theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho công dân.
Liên quan đến dãy 12 số cấp cho mỗi công dân ghi trên CMND mẫu mới, Đại tá Vũ Xuân Dung cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2010/NĐ - CP (ngày 18/8/2010) quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó quy định dãy số chứng minh cá nhân là một trong 22 thông tin cơ bản của công dân. Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT - BCA (ngày 22/2/2013) quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ - CP, trong đó quy định dãy số chứng minh cá nhân gồm 12 chữ số tự nhiên, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra đến khi chết, không lặp lại ở người khác được dùng để xác định dữ liệu về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại và được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền để sử dụng trong hoạt động quản lý nhà nước. Dãy số chứng minh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc. Ngoài ra, việc kết nối giữa dãy 9 số cũ trong CMND cũ và dãy 12 số mới trong CMND mẫu mới cũng được quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi.
Việc sử dụng một mã số công dân duy nhất để sử dụng suốt đời góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và các giấy tờ liên quan đến công dân, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN