Giới trẻ với trào lưu mua bán hàng trực tuyến

(NTO) Mua bán hàng trực tuyến (online) là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. Trên các kênh mua bán, người kinh doanh sẽ đưa ra hình ảnh, thông tin sản phẩm để khách hàng lựa chọn.

Vì vậy, khi tham gia hoạt động này, thay vì phải tốn thời gian ra cửa hàng hoặc siêu thị, người mua chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng Internet, kích chuột là có thể thoải mái lựa chọn và mua sản phẩm. Ở nhiều thành phố lớn, hình thức mua bán này xuất hiện khá lâu, nhưng ở tỉnh ta, mới thực sự nhận được sự quan tâm khoảng một, hai năm trở lại đây.

Chị Đỗ Thị Vân, phường Đô Vinh, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Công việc khá bận, nên gần đây, tôi rất hay mua sắm qua mạng để tiết kiệm thời gian. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tôi hay tranh thủ thời gian buổi tối “dạo” qua các trang mua sắm để tìm kiếm mẫu quần áo, giày dép. Khi thấy ưng ý chỉ cần qua địa chỉ được giới thiệu trên mạng thử và lấy hàng. Nếu quá bận, nhiều cửa hàng online còn có dịch vụ giao hàng tận nơi. Thông qua hình thức này tôi đã lựa chọn được khá nhiều đồ đẹp, rẻ từ các trang mua sắm ở những thành phố lớn. Không chỉ thu hút giới trẻ vì sự tiện lợi, mẫu mã hàng hóa đa dạng, hình thức bán hàng trực tuyến còn hấp dẫn bởi giá cả của nhiều mặt hàng rẻ hơn so với loại tương tự được bày bán tại các cửa hàng bán trực tiếp.

 
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm trên trang Facebook của Tường Vy.

Xu hướng mua hàng trên mạng ngày càng tăng, bên cạnh đó, mở một cửa hàng online không đòi hỏi vốn lớn nên hiện nay có khá nhiều bạn trẻ thử sức với loại hình kinh doanh này. Tìm theo địa chỉ trên trang mạng xã hội facebook, chúng tôi tìm đến cửa hàng online Cu Tudu của Bùi Văn Cường (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Thời gian gần đây, nhận thấy xu hướng mua sắm online của nhiều bạn trẻ, Cường đã mạnh dạn nhập thử một số mặt hàng quần áo từ TP.Hồ Chí Minh về bán. Khác với hình thức buôn bán thông thường, Cường tận dụng trang cá nhân facebook làm “cửa hàng” cho mình. Mỗi lần có hàng mới Cường tỉ mẩn chụp lại sản phẩm, đưa ảnh lên facebook, giới thiệu thông tin về chất liệu, kích cỡ, giá thành của sản phẩm. Cuối cùng gắn địa chỉ trang cá nhân của bạn bè, khách hàng trên mạng để giới thiệu sản phẩm tới nhiều “thượng đế”. Chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý lại không tốn chi phí cho việc thuê điểm bán, quảng cáo, sản phẩm vẫn được tiêu thụ nhanh chóng. Theo Cường, việc quản lý cửa hàng trực tuyến khá dễ dàng. Mỗi ngày anh dành 1-2 tiếng đồng hồ cập nhật trang cá nhân, giải đáp các thắc mắc của khách hàng, nhờ vậy vẫn bảo đảm công việc ở cơ quan lại có thêm một khoản thu nhập kha khá hàng tháng.

Nằm trên đường Ngô Gia Tự (gần bến xe Quốc Trung), việc buôn bán của cửa hàng đồ xách tay của Tường Vi khá thuận lợi. Chị chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu khá lớn về đồ xách tay của nhiều chị em, lại sẵn có người quen ở nước ngoài, tôi tìm tòi, lựa chọn số sản phẩm mỹ phẩm thông dụng, giá cả phải chăng như White Forever của Thái Lan, QOB'Cre của Hàn Quốc để bán trên mạng. Khách hàng tìm đến ngày một đông, ngoài những mặt hàng cửa hàng cung cấp, nhiều khách còn đặt mua các sản phẩm khác. Do bán hàng online, khách hàng của Tường Vi không chỉ giới hạn trong tỉnh, chị còn nhận chuyển hàng trên phạm vi toàn quốc. Cước vận chuyển và tiền hàng được chuyển vào tài khoản ngân hàng rất đơn giản, nhanh chóng. Để kích cầu, bên cạnh việc thường xuyên cập nhật sản phẩm mới, Tường Vi còn tổ chức các chương trình khuyến mại. Gần đây nhất, cửa hàng online giảm giá 10% tất cả mặt hàng, doanh thu đạt 2-3 triệu đồng/ngày. Theo Tường Vi, bán hàng qua mạng là một hình thức kinh doanh rất hiệu quả, đặc biệt với những bạn trẻ mới khởi nghiệp, nguồn vốn còn “mỏng” không phải mất tiền thuê điểm bán hàng, thuê nhân viên và quảng cáo, trong khi thị trường tiêu thụ lại được mở rộng… Tuy nhiên, trong thời buổi “trăm người bán, vạn người mua”, kinh doanh trực tuyến cần phải đề cao uy tín, bảo đảm cung cấp những mặt hàng giá tốt, chất lượng cho khách hàng.

Ở các thành phố lớn, các sản phẩm được bán online khá đa dạng và phong phú, từ thời trang, đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, đến dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, ẩm thực... Ở tỉnh ta, đối tượng kinh doanh trực tuyến chủ yếu là những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ; cung cấp các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm. Đối tượng mà những cửa hàng online này hướng tới cũng là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng uy tín, còn có khá nhiều người vì chạy theo lợi nhuận mà làm ăn gian dối, khiến không ít khách hàng có cái nhìn thiếu thiện cảm về hình thức mua bán này. Chị Lê Thị Giới, ở phường Bảo An bức xúc nói: Với những ưu điểm như tiết kiệm thời gian, giá cả phải chăng nên tôi thường đặt mua hàng tại nhiều cửa hàng online tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng không ít lần đã phải nếm “trái đắng”. Nhiều lần tôi đã mua phải hàng chợ với giá “trên trời”, sản phẩm không giống như hàng mẫu trong ảnh, chất vải xấu, đường chỉ may cẩu thả. Bực mình nhất là có trường hợp tôi đã chuyển tiền vào tài khoản cho cửa hàng, nhưng sản phẩm thì lại “mất hút”…

Để người tiêu dùng có cái nhìn tích cực hơn về loại hình kinh doanh này, các chủ cửa hàng online cần đề cao văn hóa kinh doanh, bảo đảm chất lượng hàng hóa, giá cả, trung thực trong khâu giao hàng; các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hình thức kinh doanh này, kịp thời xử lý những trường hợp sai phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác, trở thành người tiêu dùng thông thái bằng cách lựa chọn các trang mua sắm trực tuyến uy tín, chọn mua hàng có sẵn thay vì hàng đặt…