Khi chúng tôi hỏi về ông Châu Văn Năng, người dân ở làng Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) nói ngay: Ông chủ nhà máy xay với mấy cái máy cải tiến phải không? Người dân ví ông như thế bởi ở làng Tuấn Tú, nông dân sản xuất giỏi không hiếm nhưng ở ông Năng có nhiều khác biệt. Không chỉ cần mẫn lao động, ông còn chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, từ đó có nhiều sáng kiến cải tiến công cụ sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, giảm sức lao động cho nông dân.
Ông Châu Văn Năng.
Đất canh tác của gia đình ông có tất cả 7 ha trồng lúa và 1,5ha trồng hoa màu. Lao động chính chỉ có hai vợ chồng. Năm 2009, khi chính quyền xã An Hải chủ trương phát triển nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, chuyển giao mô hình sản xuất mới cho nông dân, ông Năng là một trong những hộ đi đầu. Vùng đất cát pha thích hợp trồng rau, củ nhưng nguồn nước không chủ động.
Dự án thí điểm mô hình tưới tiết kiệm bằng hệ thống phun mưa được Hội Nông dân xã đưa về chuyển giao cho hội viên, ông Năng tham gia, với diện tích 0,5ha cà-rốt. Hiệu quả cho thấy không chỉ tiết kiệm nước và công lao động mà năng suất cao hơn gần 1,5 lần. Ông mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun mưa toàn bộ vùng sản xuất, luân canh cây đậu phộng và cà-rốt, mỗi năm trừ chi phí có lãi từ 60-80 triệu đồng.
So với hoa màu, cây lúa được ông chăm chút hơn nhiều. Với 7 ha ruộng trồng lúa, mỗi vụ xuống giống, ông phải thuê hàng chục công làm các khâu. Thu hoạch xong, tính toán chi li, phần lãi chẳng được là mấy so với công sức và tiền của bỏ ra đầu tư. Ông trăn trở tại sao không dùng máy móc thay sức lao động. Qua tìm hiểu, ông mày mò chế tạo ra chiếc máy bơm thuốc có cấu tạo khá đơn giản với một thùng nhựa dung tích 30 lít, một mo-tor phát điện, hệ thống ống dây phun và trục quay nối 2 bánh xe để di chuyển trên đồng ruộng. Chiếc máy của ông điều khiển bằng tay kéo, bán kính phun thuốc là 4m. Nguyên nhân chính để ông nảy ra ý tưởng này vốn dĩ là để bảo vệ sức khỏe, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật tiếp xúc với cơ thể như cách mang bình xịt mà nông dân thường dùng. Hiện nay, ông đang cải tiến để máy bơm thuốc phun trên hoa màu. Ngoài ra, ông còn cải tiến máy kéo bằng cách gắn thêm một công cụ tra lỗ để trỉa đậu phộng. Thay vì làm đất xong, phải thuê người trỉa đậu, cứ mỗi sào mất 7-10 công, chi phí 80.000 đồng/ngày. Còn dùng máy kéo cải tiến của ông Năng, làm đất xong nông dân chỉ cần đi bỏ hạt giống và lấp đất. Tính thời gian sẽ giảm 1/3 lượng nhân công. Chính vì thế, bà con trong làng thường thuê máy kéo nhà ông làm đất vì tính năng
“2 trong 1” mà tiền công cũng chỉ ngang với việc thuê máy kéo thông thường. Nhờ thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, chỉ tính thu nhập từ lúa và hoa màu, gia đình ông mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng. Nhiều năm liền ông Năng được bình xét là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Năng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn; tạo việc làm ổn định cho 6 lao động ở địa phương với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng; trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên Hội Nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. Ông Năng tâm sự: Có được kết quả hôm nay, ngoài sự phấn đấu của hai vợ chồng tôi, cũng nhờ chính quyền đã quan tâm giúp đỡ, Hội Nông dân tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất. Nếu bà con mình ai cũng mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất thì năng suất cây trồng tăng, đời sống phát triển hơn.
Diễm My