Giá dầu tăng, ảnh hưởng đến sản xuất
Mặc dù hiện đang là thời điểm chính vụ cá Nam nhưng tại Cảng cá Đông Hải thay vì cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập trao đổi hàng hóa thì có rất nhiều tàu thuyền nằm bờ, chờ thông tin ngư trường. Hộ ông Trần Văn Hạnh (ở khu phố 5, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) có 3 tàu đánh cá công suất trên 300 CV, chủ yếu hoạt động đánh bắt xa bờ với nghề lưới giã cào. Đầu vụ cá Nam đến nay, do giá dầu tăng cao, giá các mặt hàng khác phục vụ chuyến biển cũng tăng theo, nên sau hai chuyến biển đã bị lỗ trên 100 triệu đồng. Vừa cặm cụi vá lưới sau chuyến biển 15 ngày trở về, ông tâm sự: Mỗi chuyến biển đi hai tàu, chi phí cũng đã hơn 400 triệu đồng, trong đó đổ 12.000 lít dầu đã tốn hết 270 triệu đồng. Nhưng khi vào bán toàn bộ cá chỉ được 300 triệu đồng.
Ngư dân Đông Hải sửa san ngư cụ chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Giá dầu lên, nhưng giá hải sản lại không theo kịp, hiện giá mực loại ngon bán tại cảng cũng chỉ ở mức 110 ngàn-150 ngàn đồng/kg, cá loại tốt giá 50 ngàn đồng/kg. Lượng cá đánh được chủ yếu là cá tạp chỉ có giá 3.000 đồng/kg.
Theo cách tính toán của ông Hạnh: Năm ngoái, đánh một vác lưới (100m) có thể đủ chi phí mua được 2 ngày dầu (140 lít), nhưng nay 2 vác chỉ được 1 ngày dầu đi biển. Nếu so giữa giá cá với giá dầu thì trước đây trung bình 1kg cá mua được hơn 2 lít dầu, thì nay chỉ mua được 1 lít dầu. Bù qua bù lại, từ đầu năm đến nay đi biển chưa có lãi. Do đó không dám bám biển lâu ngày, chỉ tập trung đánh bắt trong những tháng chính, còn lại ở nhà tìm thêm việc khác để làm.
Do biển “đói”, giá dầu tăng, thu nhập từ nghề biển không ổn định nên nhiều lao động biển chuyển sang tìm các việc làm khác như thợ hồ, bốc vác để mưu sinh. Chính vì vậy, khi các chủ ghe cần “bạn” thì không gọi được. Ông Trương Sinh, khu phố 7, phường Đông Hải, cho biết thêm: Nhà có 2 tàu thường đánh giã cào cách bờ biển tỉnh mình khoảng 20 hải lý. Mỗi ngày ra khơi tốn khoảng 700 lít dầu. Từ khi giá dầu tăng, mỗi chuyến biển chi phí đội lên 11 triệu đồng; chưa kể tiền đá cũng đã tăng từ 15 ngàn lên 20 ngàn đồng/cây. Tiền dầu, tiền đá còn nợ “gối đầu” được nhưng khó nữa là không gọi được “bạn” đi biển. Giờ chủ yếu phải huy động lao động là con cháu trong gia đình. Cũng theo ông Sinh thì hiện có đến 70% tàu làm nghề giã cào ra khơi đều lỗ, đánh bắt không mấy hiệu quả nhưng nhiều chủ tàu vẫn phải cho “bạn” mượn tiền để giữ chân lâu dài.
Cần hỗ trợ để ngư dân vượt khó
Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có 2.653 tàu thuyền với tổng công suất gần 233 ngàn mã lực. Trong đó, hiện chỉ có 60% tàu thuyền ra khơi, còn lại 40% tàu thuyền vẫn phải nằm bờ. Sản lượng đánh bắt toàn tỉnh từ đầu năm đến nay mới đạt 31 ngàn tấn, tương đương 47,7% kế hoạch năm và chỉ bằng 53,36% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Đặng Văn Tín, Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Giá dầu tăng làm chi phí đầu vào tăng, trong khi đó chi phí đầu ra không tăng dẫn đến lợi nhuận của ngư dân giảm, thậm chí có một số tàu đánh bắt không có lãi. Ảnh hưởng của việc dầu tăng giá khiến tần suất, số lượng tàu ra biển, thời gian cho mỗi chuyến biển cũng giảm theo. Khi đi biển ngư dân phải cân nhắc, không mạnh dạn đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay ngư trường không thuận lợi, vùng khơi nhiều gió, dòng hải lưu chảy mạnh liên tục, cá nổi xuất hiện ít (nhất là mực và cá cơm). Một số nghề như lưới kéo, câu hoạt động không hiệu quả… nên lâu dài cần phải có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ ngư dân.
Trước hết, cần có chính sách trợ giá xăng dầu để giảm chi phí đi biển cho ngư dân, nhất là những tàu vươn khơi xa. Được biết, vào năm 2008, cũng do xăng dầu tăng giá, ngư dân lâm vào khó khăn, Chính phủ đã có Quyết định 289 để trợ giá xăng dầu cho ngư dân, hỗ trợ đào tạo thuyền viên, thay máy mới... Theo đó, ngư dân phấn khởi bám biển, phát triển thuyền nghề. Mặt khác, nên có chính sách ưu tiên hỗ trợ vay vốn ưu đãi để ngư dân có điều kiện mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ, cải hoán tàu thuyền, nâng cao năng lực đánh bắt trên biển hiệu quả hơn.
Ngũ Anh Tuấn