Hội thảo "Công ước CEDAW và bình đẳng giới", ngày 5/8. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Trong đó, việc xóa bỏ mọi phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam giới và phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tại Hội thảo “Công ước CEDAW và bình đẳng giới”, ngày 5/8, tại TP.Hồ Chí Minh, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết tinh thần CEDAW đã được tiếp tục đưa vào pháp luật Việt Nam thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình và vấn đề lồng ghép giới trong quy trình lập pháp trở thành quy định cụ thể, minh bạch.
Trong năm 2012, cả nước tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động, lao động nữ chiếm 48%. Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo tăng từ 35% (năm 2011) lên 43% (năm 2012). Trong đề án Đào tạo nghề cho lao động Nông thôn trong 2 năm 2011-2012, cả nước đã đào tạo được 798.240 người thì phụ nữ chiếm gần 49%.
Bên cạnh đó, cán bộ là nữ trong đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 25,2%, cấp huyện 24,6% và cấp xã là 22%. Số đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là nữ ở nhiệm kỳ 2011-2015 chiếm gần 25%. Đặc biệt, có tới 21% lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hiện nay là phụ nữ.
Trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra mục tiêu bình đẳng giới trong đời sống chính trị, kinh tế, cộng đồng và hoạt động quốc tế.
Tuy nhiên, TS Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp, cho rằng việc thực thi kế hoạch này còn nhiều thách thức. Tỷ lệ phụ nữ trong các cấp có thẩm quyền còn thấp, các định kiến về giới còn tồn tại trong nhận thức, hành động của nam giới và ngay cả chính phụ nữ.
Vì vậy, không chỉ các cơ quan liên quan mà chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và giáo dục sâu rộng tới tất cả các người dân trong xã hội để tiến tới mục tiêu bình đẳng giới thực chất.
Nguồn Chinhphu.vn