Chưa thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào năm 2014

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (Ninh Thuận 1) đã được Quốc hội thông qua với tổng công suất 2 tổ máy là 4.000 MW. ROSATOM – Tập đoàn năng lượng nguyên tử lớn nhất nước Nga được chọn là đối tác giúp Việt Nam triển khai dự án. Theo kế hoạch, năm 2014, dự án sẽ khởi công xây dựng và chính thức vận hành vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bộ Khoa học – Công nghệ, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ không kịp khởi công vào năm 2014 theo như kế hoạch. Về vấn đề này, phía đối tác Nga mà đại diện là ông Alexey Kondrin, Trưởng đại diện của ATOMSTROYEXPORT (ROSATOM) – đối tác giúp Việt Nam xây dựng Ninh Thuận 1 đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí vào chiều 2/8.

Ông Alexey Kondrin trao đổi với phóng viên báo chí
về nhà máy điện hạt nhânvào chiều 2/8. Ảnh: Khánh Vy.

PV: Theo Bộ Khoa học – Công nghệ, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ không kịp khởi công vào năm 2014. Nguyên nhân chậm trễ do đâu, thưa ông?

Ông Alexey Kondrin: Tiến độ dự án vẫn đang theo kế hoạch. Cuối năm 2013, phía Nga sẽ hoàn thành báo cáo tiền khả thi, gồm hồ sơ về môi trường, hồ sơ về công nghệ, thiết kế và chi phí đầu tư…để gửi chủ đầu tư là EVN và cơ quan quản lí của Việt Nam. Hiện tại, công ty tổng thầu của Nga đã bắt tay vào thiết kế kĩ thuật nhà máy. Do đây là nhà máy đầu tiên, phía Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên quá trình chuẩn bị sẽ rất mất thời gian. Khâu nghiên cứu tiền khả thi cần phải kĩ lưỡng không nên vội vàng. Không nên hiểu đơn thuần việc khởi công là bắt đầu xây dựng, trước đó phải thiết kế kĩ thuật, chuẩn bị hạ tầng cơ sở, các công trình phụ trợ...

PV: Đoàn chuyên gia khảo sát của Nga có đồng tình với địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy hay không thưa ông?

Ông Alexey Kondrin: Đơn vị tư vấn độc lập của Nga đã khảo sát địa điểm Ninh Thuận mà Việt Nam lựa chọn từ cuối 2011. Việc khảo sát dựa trên các yếu tố: địa lí, thủy văn, khí hậu, địa hình…Tháng 2-2013, hồ sơ về địa điểm đạt 90%, đã chuyển cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Về cơ bản, địa điểm đó khá tốt.

PV: Theo tính toán của phía ROSATOM, tổng chi phí cho dự án này vào khoảng bao nhiêu thưa ông?

Ông Alexey Kondrin: Chi phí xây dựng cho nhà máy điện hạt nhân được xác định qua rất nhiều bước. Ở giai đoạn khả thi, các chuyên gia sẽ có tính toán từ số liệu của các nhà máy tương tự để đối chiếu với Việt Nam. Khi Nga bắt đầu thực hiện thiết kế kĩ thuật theo công nghệ lựa chọn, lúc đó sẽ lập bản chi phí chi tiết. Con số chính xác thì chưa xác định được nhưng theo Hiệp ước liên Chính phủ giữa Nga – Việt Nam, Chính phủ Nga sẽ cho Việt Nam vay 8 tỉ USD để xây dựng Ninh Thuận 1.

PV: Nga sẽ xây nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam theo công nghệ lò phản ứng thế hệ thứ 3 (có hệ số an toàn cao), vậy có bao nhiêu nhà máy ở Nga đang sử dụng công nghệ này và hiệu quả của nó ra sao nếu so sánh với thế hệ 3 + thưa ông?

Ông Alexey Kondrin: Nước Nga có những nhà máy xây dựng từ những năm 60, nghĩa là công nghệ đã cũ, nhưng được cải tiến thường xuyên. Sau sự cố Fukushima, hầu hết các nhà máy trên thế giới đều phải nâng cấp công nghệ. Tất cả các nhà máy mới xây dựng ở Nga đều theo công nghệ lò phản ứng thế hệ 3+ (lò phản ứng có hệ số an toàn cao).

PV: Theo ông, với qui mô của nhà máy có công suất lớn như vậy, Việt Nam cần bao nhiêu chuyên gia để có thể vận hành tốt? Với tiến độ hợp tác đào tạo như hiện nay, tới năm 2020, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động, Việt Nam có đủ nhân lực không?

Ông Alexey Kondrin: Khi xây dựng nhà máy, sẽ có các chuyên gia của Nga sang, đồng thời có sự tham gia của các đơn vị xây dựng lớn ở Việt Nam như Sông Đà, Lilama…Khi vận hành, Việt Nam cần sớm làm chủ công nghệ. Hiện nay đang có 153 người Việt Nam đang theo học ở Nga, trung bình mỗi năm sẽ có thêm 100 người được cử sang Nga để đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử. Ngay tại Việt Nam, cũng có 7 trường đại học đào tạo chuyên gia ngành hạt nhân. Nga cũng sẽ xây dựng thêm Trung tâm khoa học công nghệ về điện hạt nhân cho Việt Nam. Trung tâm này sẽ không chỉ phục vụ nhà máy điện hạt nhân trong tương lai mà còn phục vụ cho cả ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam. Tôi rất lạc quan khi tháng 5-2013 vừa qua, Nga tổ chức cuộc thi Olympic vật lí cho học sinh Việt Nam. Kết quả có 300/450 em đạt điểm 200/300, đó thực sự là điều tuyệt vời, chứng tỏ người Việt Nam rất tài năng. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ sớm làm chủ công nghệ, đủ nhân lực vận hành Ninh Thuận 1.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam