Theo nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Tokyo, mạch điện trên có kích thước siêu mỏng 2 micrômét - chỉ bằng 1/5 so với độ dày của màng nilon bọc thực phẩm - trọng lượng chỉ 3 gam/m2 và được gài vào trong lớp màng siêu mỏng. Nhờ đó, thiết bị này có thể thay đổi hình dạng linh động - vo tròn hoặc dãn phẳng - tùy thuộc vào mục đích sử dụng, đồng thời có thể gắn vào mọi bề mặt mà không cản trở hoạt động của chủ thể.
Giáo sư Takao Someya giới thiệu mạch điện siêu vi. Ảnh: AFP/TTXVN
Khác với các thiết bị cảm biến hiện nay chủ yếu sử dụng silicon hoặc các chất liệu có độ cứng gây khó chịu cho người dùng, thiết bị mới phát triển có thể giảm hoặc xóa bỏ hoàn toàn nhược điểm này.
Ngoài ra, khi đặt trong môi trường muối hòa tan, tương tự như trong cơ thể người, thiết bị cho thấy hoạt động tốt trong hơn 2 tuần, nâng cao khả năng thu thập dữ liệu về hoạt động cơ thể người. Tuy nhiên, Giáo sư Takao Someya, người đứng đầu công trình, cho biết vẫn cần tới những nghiên cứu sâu hơn để biến tham vọng trên thành hiện thực.
Nếu thành công, mạch điện này có thể sử dụng để giám sát các thông số sức khỏe của cơ thể người như huyết áp, mạch cơ bắp hoặc tim mạch. Thiết bị cảm biến siêu vi còn có thể giúp cải thiện cuộc sống của những người tật nguyền phải sử dụng chân và tay giả. Khi quấn xung quanh các bộ phận nhân tạo của cơ thể, thiết bị sẽ tiếp nhận tín hiệu từ não bộ và tạo ra xung lực kích thích chuyển động tới các chi. Thiết bị còn có thể áp dụng trong thể thao, kiểm tra nhiệt độ cơ thể và nhịp tim của các vận động viên trong luyện tập.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN