Về nông nghiệp, cả 2 vụ đông- xuân và hè-thu đã gieo trồng tổng diện tích 15.553 ha, đạt 64,5% kế hoạch năm và tuy có giảm 5% so với năm 2012 nhưng năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng đạt khá, trong đó năng suất lúa bình quân đạt 63,4 tạ/ha, riêng lúa giống năng suất trung bình là 70-75 tạ/ha. Trong vụ đông- xuân, diện tích ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa có 303,4 ha, chủ yếu tập trung ở xã Phước Thái, Phước Hậu, thì vụ hè- thu đã tăng lên 406,8 ha trong toàn huyện.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ hè-thu.
Ngoài ra các mô hình như: rau an toàn, với 90 ha ở An Hải và nuôi heo thịt quy mô từ 600-2.000 con/trại tại Phước Vinh đạt hiệu quả cao, rất có triển vọng. Đáng chú ý là đã có 67 ha cây nho trồng mới, nâng diện tích lên 220 ha, đạt gần 79% kế hoạch năm; cây táo trồng mới 74 ha, nâng diện tích 749 ha (92,1% kế hoạch năm). Hiện đã có 201 ha nho và 675 ha táo cho sản phẩm. Ông Thiên Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, cho biết: Các mô hình trên cây lúa, ngoài nâng cao năng suất, còn giúp nông dân tiết kiệm được chi phí do giảm giống gieo, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lại còn được chuyển giao các kỹ thuật mới trong canh tác. Đến Phước Hậu, Phước Thái, 2 xã điển hình về quy hoạch sản xuất lúa giống của huyện Ninh Phước, chúng tôi ghi nhận được nông dân làm lúa giống đã lãi gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện, vụ đông- xuân và hè- thu năm nay, trong tổng diện tích gieo trồng 9.314 ha lúa, 1.767 ha bắp, có 326 ha lúa giống và 606 ha bắp giống (chủ yếu ở các xã Phước Vinh và Phước Sơn). Trong những năm qua, sản xuất giống trong nông nghiệp đã được Ninh Phước tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh lúa giống và vùng chuyên canh bắp lai giống tại các xã trọng điểm nông nghiệp. Sản xuất giống được coi là tiềm năng lợi thế của Ninh Phước nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về quy mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Y, Phó Chủ tịch UBND huyện: Sản xuất giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thực tế vẫn còn mặt hạn chế về tính bền vững, vì vậy Ninh Phước chỉ đạo phải thực hiện chặt chẽ khâu ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm đối với các doanh nghiệp, chú trọng sản xuất giống lúa và bắp lai chất lượng cao. Đặc biệt, dù chỉ có 3 km bờ biển của xã An Hải, nhưng sản xuất giống thủy sản và nuôi tôm thương phẩm của Ninh Phước đang phát triển mạnh. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, với 70 trại sản xuất tôm giống đang hoạt động, đã xuất bán 4,715 tỷ con Post 15, đạt gần 63% kế hoạch. Tôm thịt đã thả nuôi với diện tích 83 ha, qua thu hoạch 68 ha cho sản lượng 626 tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm.
Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2011-2015 đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng, chú trọng tạo thương hiệu nho Ninh Phước và tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Ninh Phước phối hợp triển khai Dự án Tam nông về đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực tại 3 xã Phước Thái, Phước Vinh và An Hải với kinh phí gần 4,158 tỷ đồng. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với thành quả kinh tế-xã hội đạt được đến thời điểm này, đã cho thấy Ninh Phước có nhiều nhân tố mới và dấu hiệu lạc quan về việc hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra.
Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2013, bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 12,49%, ngoài chương trình công tác trọng tâm đã đề ra, Ninh Phước đang tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển các làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù trên địa bàn huyện và hoàn thành xây dựng các công trình do huyện làm chủ đầu tư. Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc cây trồng vụ hè- thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa với tổng diện tích cây hàng năm 6.869 ha, gắn với phòng chống lụt bão-giảm nhẹ thiên tai; khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại và vỗ béo, gắn với nâng dần chất lượng đàn gia súc.
Bạch Thương