Lễ ký Hiệp định khung về đầu tư và Thương mại Việt Nam và Haiti. Ảnh VGP/Quỳnh Hoa
Haiti là một nền kinh tế định hướng thị trường với một số lợi thế nhất định từ chi phí lao động thấp và miễn thuế xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ.
Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Haiti Jacques Thomas, Haiti chịu thiệt hại nặng nề vào tháng 1/2010 khi trận động đất 7 độ tàn phá, hiện công cuộc tái thiết đất nước này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Mục tiêu thời gian tới, Haiti tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc và cảng biển.
Ông Jacques Thomas cho biết, Haiti mong muốn Việt Nam và Haiti sớm thành lập một liên doanh đầu tư lĩnh vực hạ tầng cũng như xây dựng một trung tâm phân phối hàng hoá của Việt Nam tại Haiti.
Haiti cũng mong muốn học tập các mô hình cung cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như mong muốn thời gian tới Việt Nam sẽ mở đại diện ngân hàng của Việt Nam tại Haiti nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sang Haiti làm việc. Bộ trưởng Jacques Thomas cũng đề nghị, trong thời gian sớm nhất Việt Nam sớm cử một đoàn doanh nghiệp lớn sang khảo sát thị trường Haiti.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm và triển khai một số dự án ưu tiên với Haiti, nghiêm túc tuân thủ và triển khai có hiệu quả bản ghi nhớ ký kết giữa Việt Nam- Haiti về cung cấp gạo với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và đồng thời Việt Nam sẽ mở rộng mối quan hệ trong thương mại về gạo theo tinh thần đáp ứng sản phẩm phù hợp với thị trường Haiti.
Các Bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ hợp tác của Uỷ ban Liên Chính phủ những cơ hội chuyển giao công nghệ trong phát triển về cây lương thực, đặc biệt lúa gạo cho Haiti trên cơ sở phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tiễn của hai nước.
Hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực xây dựng cũng như các dự án hạ tầng của Haiti trên cơ sở đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Phía Việt Nam cũng mong muốn Haiti tiếp tục tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các khu vực doanh nghiệp của hai bên, đặc biệt tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý về đầu tư cũng như thuận lợi trong đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2012 trở về trước, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Haiti còn khiêm tốn và Việt Nam luôn là nước nhập siêu. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Haiti bao gồm: Gạo, dệt may, mây tre, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, mì ăn liền, hóa chất, sản phẩm chất dẻo và các loại hàng hóa khác. Ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu từ Haiti như nguyên phụ liệu trong các ngành dệt may, da giày, bột giấy, phế liệu sắt thép, thức ăn gia súc.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 - 19/12/2012 của Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe đã trở thành sự kiện quan trọng trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tại chuyến thăm này, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế - Tài Chính Haiti đã ký kết Bản Ghi nhớ về Thương mại gạo, theo đó phía Hai-ti cam kết mua từ 250.000 đến 300.000 tấn gạo hàng năm.
Tháng 4/2013, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn cấp Thứ trưởng Bộ Công Thương đã thăm và làm việc tại Haiti.
Nhờ những sự kiện quan trọng trên, quan hệ của Việt Nam với Hai-ti có những bước phát triển mạnh mẽ. 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Haiti đã tăng 355% so với cùng kỳ năm 2012 (đạt 20,2 triệu USD). Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang Haiti được hứa hẹn sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa khi các đơn hàng về vật liệu xây dựng vừa được ký kết hoàn thành việc giao hàng.
Cũng trong chiều 22/7, lễ ký Hiệp định khung về đầu tư và Thương mại Việt Nam và Haiti đã được ký kết giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Công Thương kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Haiti Jacques Thomas.
Nguồn Chinhphu.vn