Theo Thanh tra Chính phủ, qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại đơn vị này cho thấy, hiệu quả kinh doanh của VNPT đạt mức tăng trưởng cao, vốn chủ sở hữu của nhà nước tại đơn vị này tăng từ 39.955 tỷ đồng năm 2006 lên 69.498 tỷ đồng năm 2010; hệ số nợ phải trả ở mức đảm bảo chủ động về kế hoạch tài chính…
Trụ sở VNPT tại Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản từ 2006 - 2011 tại VNPT và một số đơn vị thành viên còn để xảy ra một số khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, việc bàn giao vốn điều lệ cho Tổng công ty Bưu chính (VNPost) và quản lý các quỹ không đúng theo quy định. VNPT bàn giao vốn điều lệ cho VNPost chưa đúng thời gian quy định 796 tỷ đồng, trong đó việc xác định giá trị chênh lệch 253 tỷ đồng của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) sau khi đánh giá lại trong tổng số 6.576 tỷ đồng vốn điều lệ mà VNPT đã bàn giao lại cho VNPost là chưa phù hợp do tài sản của VPSC thuộc VNPost.
Bên cạnh đó, VNPT còn nộp chậm quỹ Viễn thông công ích (VTCI) 73,3 tỷ đồng; chưa xác định số phải nộp quỹ năm 2011 và 2012. Riêng Công ty Thông tin di động (VMS) đã trích vượt chi phí nộp quỹ VTCI đến năm 2011 lên tới hơn 193 tỷ đồng, nhưng lại chưa nộp năm 2011 là hơn 496 tỷ đồng.
Về quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, trong giai đoạn 2006 – 2011, VNPT đã triển khai một khối lượng lớn các dự án đầu tư, trong đó tổng mức đầu tư liên tục được thay đổi, trong khi tiến độ lại chậm dẫn đến hiệu quả đầu tư tăng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Tại một số dự án, do việc khảo sát, tính toán sai thực tế, đánh giá thị trường chưa tốt đã dẫn đến lãng phí về tài sản , thiết bị, quá trình kinh doanh không hiệu quả. Đơn cử như dự án cáp đồng hiện còn tồn đọng vật tư lên tới hơn 70 tỷ đồng, dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao được lên tới hơn 168 tỷ đồng…
Đặc biệt, việc quyết định dự án Vinasat 1 và 2 với tổng vốn đầu tư lên tới 9.280 tỷ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội, nhưng đến thời điểm năm 2011 dự án này chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt, với số lỗ vượt dự kiến lên tới 329 tỷ đồng.
Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn của VNPT, đến thời điểm cuối năm 2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị 3.273 tỷ đồng, trong đó: 38 doanh nghiệp thu được 322 tỷ đồng lợi nhuận; 28 doanh nghiệp có vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về đạt thấp. Đặc biệt, với số tiền hơn 723 tỷ đồng rót vào 20 doanh nghiệp và quỹ khác nhưng không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện VNPT chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với 11 đơn vị. Ngoài ra, do yếu kém và sai phạm trong quản lý tại Công ty Tài chính Bưu điện đã khiến cho doanh nghiệp này thua lỗ, mất vốn lớn, đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận.
Ngoài ra, VNPT cũng để xảy ra một số sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai tại 19 đơn vị bưu chính, viễn thông, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, sử dụng sai mục đích đối với khu đất C30 rộng 40ha tại Tp.HCM.
Về việc quản lý doanh thu, chi phí, kết quả hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho biết VNPT cũng để xảy ra nhiều tồn tại, trong đó đáng chú ý là việc kết quả kinh doanh chưa được phản ánh đúng với thực tế khi tập đoàn cho phép điều tiết doanh thu giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc bằng việc xuất thẻ di động trả trước hơn 4.496 tỷ đồng khiến cho đơn vị kinh doanh có lãi trở thành lỗ và ngược lại.
Đặc biệt, kết quả kinh doanh của VNPT từ 2006 đến 2010 không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận đề ra, dẫn đến kết quả vốn chủ sở hữu đến cuối 2010 chưa được bổ sung, thiếu hơn 2.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc trích quỹ khen thưởng phúc lại tại VNPT trong 2 năm 2007 và 2009 lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.
Với thực tế như trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chủ quản của VNPT thẩm định và đề xuất Thủ tướng phê duyệt đề án tổ chức, sắp xếp lại mô hình hoạt động của VNPT, điều chỉnh và xử lý những tồn tại đã phát hiện liên quan đến trách nhiệm của các bộ.
Đối với VNPT, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên vì đã có liên quan đến những vi phạm nói trên, đặc biệt là các sai phạm tại Công ty Tài chính Bưu điện và Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI).
Cùng với đó, kiến nghị các bộ, ngành vào cuộc xử lý về kinh tế, thu hồi về cho ngân sách 105 tỷ đồng do VNPT chưa thực hiện; giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất giải pháp và xử lý một số nội dung: bổ sung vốn điều lệ 2.739 tỷ đồng; các khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng tại công ty VTI gần 46 triệu USD và một số khoản chưa phù hợp khác lên tới hơn 2.600 tỷ đồng.
Được biết, ngày 17/7 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ đã có văn bản đồng ý với những kết luận của Thanh tra Chính phủ tại VNPT. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT tổ chức thực hiện kiểm điểm cá nhân, tổ chức có liên quan đến sai phạm, trừ vụ việc xử lý nợ khó đòi tại VTI, báo cáo lên Thủ tướng trong tháng 9/2013.
Nguồn Thời báo Kinh tế Việt Nam