Tuy nhiên, gần đây đã tiếp tục nổi lên tình trạng trộm cắp nhà dân, cơ quan, trường học. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ tính trong tháng 6-2012, toàn tỉnh xảy ra 29 vụ phạm pháp hình sự thì đã có đến 19 vụ trộm cắp tài sản. Thủ đoạn của đối tượng trộm cắp là lợi dụng gia chủ đi vắng; sự lơ là của bảo vệ cơ quan, trường học… để phá khóa cửa hoặc mở khung cửa sổ để leo vào nhà trộm tài sản. Đó là chưa kể thời gian “hành sự” của các đối tượng là hoạt động mọi lúc, mọi nơi trong ngày, chỉ cần sơ hở là “ra tay”. Tình trạng các nhóm thanh – thiếu niên sử dụng hung khí như dao, mã tấu tự tạo để đánh nhau; tệ nạn sử dụng ma túy tổng hợp hay còn gọi là “hàng đá” đã và đang có chiều hướng gia tăng trong thanh – thiếu niên và học sinh; tình trạng đánh bạc, trộm cắp vật nuôi… cũng gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an các cấp… thì điều đầu tiên là trách nhiệm của chính từng gia đình và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong việc đề cao tinh thần cảnh giác “mọi lúc, mọi nơi” để “khắc chế ” lại đối tượng trộm cắp. Mặt khác, cần lưu ý đến công tác tuyên truyền trong nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức… tại địa phương, cơ quan, đơn vị hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Không lơ là, sơ hở để các đối tượng có thể lợi dụng phạm tội.
Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là mỗi gia đình hết sức gần gũi, quan tâm đến sinh hoạt, tâm sinh lý của con em để phòng tránh sự “xâm nhập” của các “thói hư, tật xấu”, nhất là sử dụng ma túy, tụ tập băng nhóm và các hành vi dẫn đến phạm tội…
Cảnh giác luôn là bài học mới. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” như dân gian thường nói thì có hối cũng đã muộn.
Tuấn Dũng