Đới bờ là tụ điểm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động này. Trong tương lai, tầm quan trọng của đới bờ sẽ càng lớn hơn do số lượng người dân đến đó sinh sống càng nhiều hơn.
Quá trình công nghiệp hóa phát triển thương mại và áp lực của sự gia tăng dân số liên tục ở nhiều nơi đã làm gia tăng việc khai thác bừa bãi đất đai và nguồn nước ven bờ, tăng xói mòn, lũ lụt, làm mất các vùng ngập nước, gây ô nhiễm môi trường.
Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) là quá trình thích hợp nhất để giải quyết các thách thức tại đới bờ trước mắt cũng như lâu dài. QLTHĐB tạo cơ hội cho các vùng ven biển hướng tới sự phát triển bền vững, cho phép tính đến các giá trị tài nguyên và lợi ích hiện nay và trong tương lai của đới bờ. Thông qua việc tính đến các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, QLTHĐB có thể kích thích sự phát triển kinh tế tại đới bờ, phát triển tài nguyên và hạn chế sự suy thoái các hệ thống tự nhiên. QLTHĐB có thể cung cấp khung khổ cho các đáp ứng linh hoạt, nhằm đối phó với sự không chắc chắn của các dự báo về tương lai, kể cả về thay đổi khí hậu. Tóm lại, QLTHĐB có thể cung cấp cho các nước ven biển quy trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.
QLTHĐB bao gồm việc đánh giá toàn diện và đặt ra các mục tiêu quy hoạch, quản lý các hệ thống tài nguyên tại đới bờ, có xét đến các yếu tố lịch sử, văn hóa và truyền thống, các lợi ích trong việc giải quyết mâu thuẫn sử dụng; là quá trình liên tục tiến triển nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
Mục tiêu chung của một chương trình QLTHĐB là đảm bảo việc sử dụng bền vững, tốt nhất các tài nguyên thiên nhiên tại đới bờ và duy trì lợi ích nhiều nhất từ môi trường tự nhiên. Về mặt thực tế, chương trình QLTHĐB hỗ trợ các mục tiêu quản lý thông qua việc đưa ra cơ sở cho việc sử dụng bền vững các tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa thiên tai, kiểm soát ô nhiễm, tăng cường lợi ích, phát triển nền kinh tế bền vững và tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu.
Nhiệm vụ của một chương trình QLTHĐB là tổ chức một hệ thống tổng hợp, chính thống để đảm bảo sự bền vững của các nguồn tài nguyên đới bờ, duy trì đa dạng sinh học, phát triển kinh tế xã hội và phòng chống các tai biến thiên nhiên. Điều quan trọng là phải khắc phục hậu quả của các dự án phát triển không được điều phối tại đới bờ. Kết quả của sự không được điều phối này là suy giảm tài nguyên và làm mất quyền sử dụng tài nguyên đó của các thế hệ tương lai. Chương trình QLTHĐB phải tránh những điều này bằng việc lập quy hoạch đa ngành và xây dựng các dự án một cách tổng hợp, nhờ phân tích tài nguyên định hướng cho tương lai và đảm bảo tính bền vững cho mỗi một sáng kiến phát triển.
Việc triển khai dự án giúp xác định đúng các vấn đề cấp bách của từng địa phương và hỗ trợ địa phương trong việc sử dụng cách tiếp cận QLTHĐB như một công cụ giải quyết vấn đề một cách đồng bộ và triệt để gồm các mục tiêu cụ thể như sau:
- Đến năm 2013, trên 50% lãnh đạo, cán bộ, công chức tại 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ được nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp đới bờ;
- Trên 20 % các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoạt động vùng bờ tại 14 tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ được nâng cao nhận thức về QLTHĐB, đồng thời cam kết thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững;
- Trên 30% dân cư đang có các hoạt động khai thác, sử dụng gắn với tài nguyên và môi trường vùng bờ được phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên vùng bờ và nguyên tắc thực hiện QLTHĐB
Môt trong những nội dung thực hiện các nhiệm vụ của dự án có quá trình tuyển chọn và tập huấn cho các truyền thông viên.
Các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực truyền thông sẽ được thực hiện một cách toàn diện, rộng khắp cho các cán bộ quản lý, đại diện các tổ chức kinh tế, xã hội và cộng đồng dân cư.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, dự án dự kiến tuyển chọn các cộng tác viên sẽ là các cộng tác viên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ở cấp tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án, tuyển chọn các truyền thông viên từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới biển, đảo; các doanh nghiệp và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư hiện đang quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường ở các xã để tham gia trong quá trình triển khai dự án gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các phòng chuyên môn trực thuộc huyện, quận và đại diện cho cộng đồng cư dân.
Đặng Hữu
(Tổng hợp từ tài liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)